Theo thông tin trên VnExpress ngày 12/8, ông Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, cho biết thuốc Protamin sulfat của bệnh viện chỉ còn số lượng dùng trong khoảng một tuần nữa. Một số bệnh viện khác ở Hà Nội cũng hết thuốc này, phải đi mượn. Do thiếu thuốc, bệnh viện đang giảm số lượng các ca mổ, ưu tiên mổ cấp cứu bởi không mổ thì bệnh nhân sẽ chết, còn những ca mổ phiên thì trì hoãn lại.
Bệnh viện Tim Hà Nội đã có kế hoạch mua sắm thuốc này nhưng đang không có nguồn cung. Ngoài ra, bệnh viện cũng thiếu một số loại biệt dược song có thể thay thế được bằng các loại khác.
Protamin sulfat là thuốc có tác dụng trung hòa khả năng chống đông máu của heparin. Thông thường, trong cuộc mổ tim, bác sĩ phải dùng thuốc heparin để chống đông máu, ngăn chặn sự hình thành cục máu đông. Khi kết thúc cuộc mổ, Protamin sulfate được dùng để trung hòa heparin, đưa cơ thể trở về bình thường. Nếu không có cặp đôi thuốc này song hành nhau, bác sĩ sẽ không thể tiến hành ca mổ tim.
Khoảng hai năm nay, bên cạnh Protamin sulfat, nhiều bệnh viện sử dụng một thuốc có hoạt chất tương tự là Prosuf. Tuy nhiên, thuốc này không dùng được ở trẻ em. Với người lớn, một số trường hợp dùng thuốc Prosuf có thể dễ sốc phản vệ, tụt huyết áp, ngưng tim.
Thời gian qua, bệnh viện đã xin được quota 2.800 ống thuốc Prosuf nhưng không có nhà thầu tham dự đấu thầu, không có nơi bán hàng.
Một bác sĩ phẫu thuật tim mạch tại bệnh viện đa khoa lớn ở TP.HCM cho biết viện chỉ còn hai ống Protamin sulfat dùng mổ cho trẻ em. Riêng thuốc Prosuf chỉ còn đủ mổ trong khoảng 1-2 tuần.
Phó giáo sư Nguyễn Quỳnh Hoa, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết bệnh viện còn đủ thuốc sử dụng trong khoảng một tháng.
Báo cáo của các tỉnh thành về Bộ Y tế cho thấy nhiều thuốc kháng sinh điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tim mạch, tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền... khan hiếm, ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh.
Bộ Y tế cho rằng nguyên nhân thiếu thuốc một phần do tình trạng hết hạn số đăng ký lưu hành của một số loại thuốc, nhân lực quản lý nhà nước quá ít, khó khăn trong xử lý hồ sơ. Ngoài ra, việc chậm có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia, đàm phán giá thuốc; một số địa phương ngại... cũng tạo tình trạng thiếu thuốc.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lượng bệnh nhân đến viện tăng nhiều sau dịch, nguồn nguyên liệu sản xuất và hàng hóa khan hiếm, giao các cơ sở chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung khiến việc mua sắm gặp nhiều khó khăn.
Sáng 12/8, tại tọa đàm Giải pháp khắc phục thiếu thuốc, do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng đang xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc toàn cầu ảnh hưởng đến nguồn cung. Ngoài ra, khi dịch ổn định, người dân khám chữa bệnh tăng đột biến, tác động đến nguồn cung thuốc.
Bộ Y tế cũng có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ nhiều quy định liên quan, đặc biệt quy định về mua sắm, đấu thầu. Mới nhất vào hôm 5/8, Bộ công bố kết quả lựa chọn nhà thầu của ba gói mua thuốc tập trung cấp quốc gia với tổng giá trị gần 6.300 tỷ đồng.
Hội đồng Đàm phán giá, Bộ Y tế đang đàm phán giá đối với nhiều thuốc biệt dược gốc có số lượng, nhu cầu sử dụng lớn, giá trị cao. Các động thái này được kỳ vọng giải "cơn khát" thuốc điều trị.