Sáng 31/8, thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiên lượng sức khỏe của 2 bệnh nhân lớn tuổi bị ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay khá nặng.
"Người chồng (70 tuổi) liệt toàn thân, không tự thở, đồng tử giãn. Tình trạng của người vợ (68 tuổi) nhẹ hơn. Tuy nhiên, bệnh nhân cũng bị liệt toàn thân, không thể thực hiện các chức năng cơ bản như ngồi dậy, ăn uống, phản xạ ho khạc kém, nguy cơ suy hô hấp, sặc phổi cao", bác sĩ Nguyên nói.
Bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Nhật Minh. |
Trước đó, cả hai bệnh nhân có biểu hiện đau họng, khó nói, nuốt, sụp mi, sau đó yếu tay, chân, khó thở, điều trị tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương.
Theo ông Nguyên, bệnh nhân bị ngộ độc do vi khuẩn Clostridium botulinum gây ra là liệt kéo dài, thở máy từ 2 đến 10 tháng và dễ gặp các biến chứng nguy hiểm.
Thuốc giải độc của loại vi khuẩn này không còn được sản xuất rộng rãi nên phải huy động nhiều nơi. Sau khi liên hệ thì may mắn là bên Thái Lan có dự trữ loại thuốc giải độc này. Đơn vị đã đặt mua và vận chuyển thuốc về Trung tâm Chống độc để cứu chữa kịp thời cho bệnh nhân. Giá của loại thuốc này là 8.000 USD/liều.
Thuốc giải được nhập khẩu từ Thái Lan để điều trị cho bệnh nhân nhiễm vi khuẩn có trong pate Minh Chay. Ảnh: Nhật Minh. |
Bên cạnh đó, mới đây Trung tâm Chống độc còn tiếp nhận 4 bệnh nhân khác tới kiểm tra sau khi sử dụng sản phẩm pate Minh Chay trong tình trạng yếu mỏi cơ, khó vận động nặng. Hiện các bệnh nhân này đã được được chỉ định điều trị ngoại trú.
Thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên nhận định: "Ngộ độc do Clostridium botulinum rất hiếm, Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm điều trị. Đây là độc tố thần kinh thường có trong đồ ăn được đóng trong gói, hộp, túi, lọ kín với điều kiện không đảm bảo độ pH và độ mặn".