Thương vụ Việt Nam tại UAE cảnh báo 6 doanh nghiệp UAE mà công ty Việt cần lưu ý khi giao dịch vì có dấu hiệu gian lận, đó là Abdul Aziz Abdul Gaffar Foodstuff Trading LLC; Green Light Foodstuff Trading LLC; Climax General Trading LLC; Loyalpur General Trading LLC; Choice Global FZC / Vital Fresh General Trading LLC; International Dragon Food Trading LLC (IDP).
Một số hình thức gian lận phổ biến như giao hàng không trả tiền; Làm giả giấy tờ ngân hàng để lấy hàng, cài người lấy chứng từ xuất khẩu; Sử dụng hacker xâm nhập địa chỉ email của 2 bên doanh nghiệp đang có giao dịch, theo dõi tiến trình đàm phán.
Khi bên mua chuẩn bị chuyển tiền mua hàng hóa thì hack hòm thư email (hoặc tạo 1 tài khoản email có địa chỉ gần giống với email của bên bán) để gửi thông tin tài khoản lừa đảo. Sau khi bên mua chuyển tiền rồi, đối tượng lập tức rút tiền và biến mất.
Một số doanh nghiệp trong nước như không yêu cầu tổ chức giám định có uy tín kiểm tra hàng trước khi giao, không thẩm định các thông tin về doanh nghiệp đối tác, không có người của phía Việt Nam sang làm việc... để chuyển hàng không giá trị, không đúng hợp đồng, hoặc thông báo hàng hỏng, kém chất lượng để ép giá, trừ nợ hoặc đòi bồi thường...
Một số dấu hiệu nhận biết lừa đảo như: Việc đàm phán giá cả, hợp đồng diễn ra dễ dàng, nhanh chóng, ít đàm phán, hấp nhận giá cao. Ngoài ra có thể bắt đặt cọc để nhận khoản tiền đầu tư hoặc làm các thủ tục giấy tờ tại UAE; Không cung cấp hoặc các giấy tờ cung cấp của nhiều pháp nhân khác nhau; Mở tín dụng thư (L/C) tại ngân hàng không uy tín của nước thứ ba; Giấy phép kinh doanh tại UAE sắp hết hạn...
Các doanh nghiệp trong nước cần chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, kiến thức pháp luật của nguồn nhân lực làm công tác ngoại thương, phát triển thị trường của doanh nghiệp mình.
Doanh nghiệp nên đề nghị đối tác sử dụng L/C không hủy ngang mở tại các ngân hàng uy tín quốc tế, đồng thời hạn chế cho khách hàng trả chậm. Khi đối tác mở L/C, cần đề nghị ngân hàng Việt Nam kiểm tra tính xác thức của L/C trước khi giao chứng từ.
Đối với thanh toán trả tiền để được nhận chứng từ (D/P) doanh nghiệp Việt Nam cần đưa ra các mức phần trăm đặt cọc để bảo đảm an toàn cho các đơn hàng, tốt nhất là 50% trở lên; Không nên sử dụng hình thức thanh toán nhờ thu chấp nhận chứng từ (D/A) hay chuyển tiền bằng Western Union cho việc thanh toán...