• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tìm cách phục hồi ngành nhà hàng - ẩm thực

Cần có sự tái cấu trúc, nâng cao năng suất để tận dụng các cơ hội, từng bước phục hồi...

Tại Hội nghị về “Năng suất trong kinh doanh nhà hàng và ẩm thực” do Hiệp hội Nhà hàng Việt Nam phối hợp với Công Ty TNHH Dịch Vụ Triển Lãm SES Việt Nam tổ chức, nhiều chuyên gia và đại diện phía doanh nghiệp cho rằng, dịch Covid-19 đã và đang tạo ra sự thay đổi rất lớn về nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Do đó, cần có sự tái cấu trúc, nâng cao năng suất để tận dụng các cơ hội, từng bước phục hồi và đẩy nhanh tốc độ phát triển của nhóm ngành giàu tiềm năng này.

 Các chuyên gia đề cập về tiềm năng phát triển của ngành F&B hậu Covid-19 tại hội nghị.
 Các chuyên gia đề cập về tiềm năng phát triển của ngành F&B hậu Covid-19 tại hội nghị.

Nỗ lực giữ chân khách hàng

Nếu như trong hai năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tốc độ tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh đều ở mức “âm” thì từ quý I/2022, tình hình đã thay đổi rất khả quan với mức tăng trưởng ghi nhận lên đến 37%. Mặc dù vẫn chưa thể đạt tỷ lệ phục hồi như trước dịch nhưng vài tháng trở lại đây, nhiều doanh nghiệp thuộc ngành nhà hàng - ẩm thực (F&B) đã chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm, dịch vụ bằng nhiều chiến lược liên quan đến công nghệ, chuyển đổi số.

Qua giai đoạn diễn biến phức tạp, người tiêu dùng bắt đầu trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, theo ông Dzung (Dan) Nguyen, Giám đốc điều hành SMB Châu Á Thái Bình Dương tại NielsenIQ Vietnam, sau dịch, hành vi mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi đáng kể. Các số liệu thống kê cho thấy gần 60% người tiêu dùng bắt đầu phương thức mua sắm đa kênh, trong đó duy trì ổn định việc mua sắm trực tuyến – thói quen được hình thành nhiều nhất suốt đợt dịch kéo dài. Việc các kênh kinh doanh trực tuyến  tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương tăng trưởng từ 15% lên thành 20% chỉ sau 2 năm dịch Covid-19 cho thấy, người tiêu dùng đã thấy được thế mạnh của loại hình này nên ưu tiên chọn lựa. Riêng tại Việt Nam, lượng khách hàng mua sắm trực tuyến cũng tăng từ 10-15%.

Tìm cách phục hồi ngành nhà hàng - ẩm thực
Việc ứng dụng công nghệ linh hoạt mở ra nhiều cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp F&B trong giai đoạn hiện nay.
Việc ứng dụng công nghệ linh hoạt mở ra nhiều cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp F&B trong giai đoạn hiện nay.

Ông Dzung cho rằng, thị trường đã thay đổi đòi hỏi các doanh nghiệp F&B cũng phải nhanh chóng thay đổi, trong đó quan tâm vào các yếu tố: sự tiện lợi cho người tiêu dùng; tăng tính trải nghiệm thông qua việc tận dụng công nghệ và đẩy mạnh tư vấn sản phẩm đa kênh. Giá cả hàng hóa nếu có sự điều chỉnh cần đi cùng với các giải pháp thay đổi bao bì, kích cỡ, trọng lượng, mẫu mã để người tiêu dùng dễ dàng cân nhắc, chọn lựa. Cùng với đó là việc nâng cao hình ảnh thương hiệu.  Rất nhiều tập đoàn, công ty lớn trên thế giới đã nhanh chóng tung ra nhiều chương trình trải nghiệm thực tế ảo, mua sắm trực tuyến giải trí và thu về phản hồi vô cùng tích cực. Nếu các doanh nghiệp F&B Việt Nam linh hoạt thay đổi, ứng dụng tốt công nghệ kết nối, tương tác, bắt kịp xu hướng mua sắm và mong muốn của khách hàng thì quá trình phục hồi sẽ được rút ngắn đáng kể.

Nhiều doanh nghiệp F&B đã nhận thấy lợi ích của chuyển đổi số trong kinh doanh nên tập trung chuyển đổi. Thế nhưng, với gần 30 kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn, lời khuyên mà ông Trần Đình Cửu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Trần Đình Cửu, dành cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này là phải có quá trình chuẩn bị chu đáo. Muốn cải tiến, thay đổi hiệu quả cần dựa trên dữ liệu thì mới bền vững, lâu dài. “Chuyển đổi số là việc làm bắt buộc trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên cần nhớ chuyển đổi số là phương tiện giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, giảm chi phí, gia tăng sự hài lòng của khách hàng. Nhưng trước khi chuyển đổi số doanh nghiệp phải chuẩn hóa quy trình, cắt gọt lãng phí, tinh gọn nhiều khâu chứ đừng cứ lao vào chọn đại các phần mềm, ứng dụng mà không biết giải quyết vấn đề cốt lõi thì khéo sẽ “chìm” trong đống công cụ, chết trong số hóa”, ông Cửu lý giải.

Tăng năng lực cạnh tranh

Chuyên gia Trần Đình Cửu đưa ra 7 yếu tố ảnh hưởng đến việc cải thiện năng suất của các doanh nghiệp F&B là năng suất, chất lượng, chi phí, giao hàng đúng hạng, an toàn pháp lý, tinh thần ký kỷ luật đạo đức, năng lượng và môi trường. Muốn tăng tính cạnh tranh, doanh nghiệp cần xoáy sâu vào 3 khía cạnh. Trước tiên phải thẳng thắn nhìn nhận các vấn đề không phù hợp còn tồn tại trong doanh nghiệp. Bước tiếp theo phải gác lại suy nghĩ “hài lòng với chính mình” và cuối cùng phải tạo được sự đột phá trong sản phẩm, dịch vụ thông qua nhiều mô hình kinh doanh mới.  

Từ tháng 4 năm 2022, Hiệp hội Nhà hàng Việt Nam cùng Mạng lưới chuyên gia GGEN khởi động dự án “Phát triển năng suất kinh doanh ngành Nhà hàng, Ẩm thực Việt Nam”. Dự án được phát triển trong 3 năm, trong đó từ nay đến hết quý I/2023 tập trung vào việc thu thập dữ liệu và thông tin về sự trở lại của các doanh nghiệp F&B và xu hướng năng suất trong ngành ở giai đoạn hậu Covid-19.

Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp F&B cần chủ động cắt bỏ những yếu tố lãng phí, tập trung đầu tư vào lĩnh vực khả thi để sớm phục hồi, bứt phá.
Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp F&B cần chủ động cắt bỏ những yếu tố lãng phí, tập trung đầu tư vào lĩnh vực khả thi để sớm phục hồi, bứt phá.

Việc thu thập dữ liệu nhằm đo lường các chỉ số năng suất ở 3 trụ cột là sử dụng nguồn nhân lực, nguồn vốn và hướng vận hành tại các doanh nghiệp. “Trước khi triển khai dự án, chúng tôi thực hiện nhiều hoạt động bao gồm phỏng vấn nhóm, phỏng vấn chủ doanh nghiệp F&B và nhận ra có 5 thách thức đối với họ hiện nay, bao gồm nhân lực, công nghệ, triển khai mô hình mới hậu Covid-19 để phù hợp với những thay đổi của khách hàng, tăng trải nghiệm của khách hàng và đưa ra chiến lược tiếp cận khách hàng”, ông Chử Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Nhà hàng Việt Nam cho biết.

Theo ông Minh, trong thị trường nhiều biến động như hiện nay, các doanh nghiệp F&B không thể tiếp tục dựa vào sự tăng trưởng của nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của ngành. Chi phí kinh doanh tăng đột biến, đầu ra khó khăn đòi hỏi sự thay đổi kịp thời nhằm tăng tính cạnh tranh. Trong đó, việc tăng hiệu quả và năng suất kinh doanh có vai trò quyết định. Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ có thể được xem là giải pháp tối ưu trong điều kiện doanh nghiệp biết thay đổi linh hoạt.

Ngay trong đợt dịch vừa qua, ứng dụng Web Order của iPOS.vn đã thu hút hơn 3.000 doanh nghiệp ngành F&B tại Việt Nam tham gia, đem lại nguồn thu lớn khi nhiều cửa hàng bán tại chỗ lâm vào cảnh khó khi không thể tiếp cận khách hàng. Đến thời điểm hiện tại, khi cuộc sống người dân đã sang giai đoạn “bình thường mới”, trang web này vẫn mang lại nguồn thu ổn định cho nhiều doanh nghiệp F&B. Ông Trần Thế Vũ Thanh, Giám đốc Kinh doanh khu vực miền nam iPOS.vn cho rằng, chính dịch bệnh đã tạo ra thói quen mới cho người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực F&B, khiến họ chủ động hơn trong việc tương tác không tiếp xúc. Nếu trào lưu này tiếp tục được duy trì và các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn trong chuyển đổi số, năng suất và doanh thu sẽ sớm được cải thiện, đồng thời mở ra thêm nhiều cơ hội mới trong tương lai gần./. 

DUNG TRẦN

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật