Sau đại dịch, nơi nào cũng gặp nhiều khó khăn về tài chính, tuy nhiên đây lại là thời điểm “vàng” tạo điều kiện để tín dụng đen phát triển. Các loại rao vặt quảng cáo xuất hiện tràn lan như bờ tường, cột điện, góc phố, từ nông thôn đến thành thị với các lời mời gọi hấp dẫn: vay tín chấp thủ tục đơn giản, chỉ cần alo là có tiền, hỗ trợ vay tiền, giải ngân ngay trong ngày...
Thủ tục vay tín dụng đen với thủ tục đơn giản đã thu hút nhiều người có nhu cầu vay tiền. Trong đó, đối tượng mà tín dụng đen nhắm đến là các hộ nghèo, cận nghèo, thanh niên mới lớn ở các làng quê, người thất nghiệp, người có việc cần tiền đột xuất… Lãi suất thường là từ 100% - 300%, thậm chí lên đến 700%/năm.
Hai bên vay và cho vay tự thỏa thuận các điều khoản, không có chứng thực pháp luật, không có tài sản đảm bảo. Nếu người vay không trả hoặc chậm trả lãi, đối tượng cho vay sẽ ép bên vay và người thân phải trả. Từ đó phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật như: cưỡng đoạt, cướp tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản...
Những tờ quảng cáo cho vay tiền được dán nhan nhản trên các bức tường |
Không chỉ xuất hiện tại các vùng quê, mà tại các khu công nghiệp, tín dụng đen cũng phát triển rất mạnh, khách hàng là những công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp. Chỉ cần công nhân có thu nhập ít nhất 3 triệu 1 tháng đã có thể vay được khoản tiền lên đến 10 triệu đồng.Người vay chỉ cần đăng ký vay tiền trên web hoặc tải app vay tiền online là đã có ngay 1 khoản tiền chuyển vào tài khoản trong ngày.
Thay vì gửi tiền về cho gia đình, nhiều công nhân vướng vào vay nợ nặng lãi, sau đó không đủ khả năng trả nợ đẫn đến nhiều vụ đòi nợ thuê, gây ra án mạng… Hầu hết những người vay tín dụng đen đều gặp phải những hậu quả khôn lường, làm liên lụy, ảnh hưởng tới người thân, gia đình. Có người còn 100 triệu đồng từ các đối tượng cho vay “tín dụng đen” với lãi suất 4.000 đồng/triệu/ngày trong vòng 5 tháng với số lãi lên đến 60 triệu đồng.
Còn nhiều trường hợp vay tín dụng đen khác do đến hạn không đủ khả năng trả đã bị các đối tượng “xã hội đen” đòi nợ, xiết nợ bằng các cách từ chửi bới đến bắt giữ người, khủng bố cả người thân của "con nợ"…
Các đối tượng cho vay nặng lãi luôn xuất hiện đúng lúc để giải quyết nhu cầu của những người cần tiền. Kkhi biết nạn nhân đang nợ tiền người khác, các đối tượng này xuất hiện cùng chủ nợ và gợi ý nạn nhân vay tiền của công ty họ để giải quyết món nợ hiện tại, tránh kiện tụng phiền phức. Bước đường cùng, người đi vay đã phải chấp thuận phương án này để có tiền trả nợ.
Dù tín dụng đen lộng hành nhưng việc xử lý lại gặp nhiều khó khăn do chúng có nhiều thủ đoạn lách luật. Khi vụ việc xảy ra, việc phân định trách nhiệm hình sự hay dân sự cũng không phải dễ dàng.
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law, việc người dân tìm đến tín dụng đen hay cho vay tiêu dùng nhằm giải quyết công việc hay ổn định cuộc sống sau mùa dịch này là điều không hiếm. Tuy nhiên, khi làm thủ tục xong rồi mới phát sinh nhiều chi phí khác, lãi mẹ đẻ lãi con, khi chưa kịp trả thì bị đe dọa, chửi bới, gây ảnh hưởng đến tâm lý và đời sống sinh hoạt.
Trong bộ luật hình sự vẫn quy định về việc xét xử hình sự đối với người cho vay nặng lãi, đây là chế tài tương đối nặng. Tuy nhiên, việc thực thi còn gặp khó vì bản chất của việc vay hoặc cho vay liên quan đến cá nhân nhiều hơn. Hơn nữa để phát hiện ra một đường dây tín dụng đen cũng không hề dễ vì tín dụng đen hoạt động không công khai, núp bóng, khiến cơ quan chức năng khó phát hiện và xử lý.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: "Để hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen, các tổ chức tín dụng hoặc các ngân hàng cần có nhiều gói vay linh hoạt hơn để hỗ trợ người dân, người có thu nhập thấp. Cùng với đó, các tổ chức tín dụng cần đa dạng hóa những loại hình tín dụng phục vụ đời sống, tiêu dùng cho người dân với thủ tục đơn giản, thuận tiện. Về phía cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan công an, cần kết hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, thuyết phục chủ của các đường dây tín dụng đen hạn chế hoặc ngừng cung cấp dịch vụ này”.