Chiều tối 28/10, do ảnh hưởng của bão số 9 gây mưa to, gió lớn, tại huyện miền núi Nam Trà My của tỉnh Quảng Nam liên tiếp xảy ra sạt lở núi. Hai vụ lở núi ở 2 thôn của xã Trà Leng và Trà Vân khiến hơn 70 người bị vùi trong đất đá. Trong đó, vụ lở núi ở thôn 1 xã Trà Leng vùi lấp đến 53 người của 11 hộ dân khi ngọn núi Pa Ranh bất ngờ đổ ập xuống.
Ngay trong đêm 28/10, Thủ tướng đã có Công điện khẩn gửi Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Tư lệnh Quân khu 5, UBND tỉnh Quảng Nam, yêu cầu tập trung bằng mọi biện pháp cần thiết để khẩn trương cứu hộ, cứu nạn những người bị vùi lấp.
|
Ngay lúc 22h30 đêm 28/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Công an, Quân khu 5 họp khẩn tại Trụ sở Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, để bàn biện pháp cứu hộ cứu nạn. Cũng trong đêm, 7 thi thể đã được lực lượng tại chỗ tìm thấy. Ảnh: VGP. |
|
Sau cuộc họp, 3h sáng 29/10, Trung đoàn 885 - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, Lữ đoàn Công binh 270 -Quân khu 5 đã chuẩn bị quân số, máy đào, máy xúc lật, máy phát điện nhỏ, cưa máy, cuốc, xẻng… cơ động lên hiện trường. Ảnh: Báo Quảng Nam |
|
Quân đội thông đường xuyên đêm đến Trà Leng kịp cứu người. Ảnh: VietnamNet |
|
Nhiều tuyến đường vào hiện trường đã bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Quảng Nam Online |
|
Xe cơ giới xử lý các điểm sạt lở để tìm đường vào hiện trường. Ảnh: Quảng Nam Online |
|
Thôn 1 Trà Leng sau vụ sạt lở. Ảnh: VNE |
|
Những căn nhà ở thôn 1 Trà Leng bị vùi lấp chẳng còn lại gì. Ảnh: Quảng Nam Online |
Chỉ đạo tại hiện trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định tình hình rất phức tạp. Ông yêu cầu các lực lượng tập trung với phương châm “bốn tại chỗ”, đặc biệt nòng cốt là lực lượng vũ trang, huy động vật tư, thiết bị cần thiết để khai thông đường, đến sớm nhất nơi sạt lở đất để cứu đồng bào.
|
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: "Phải tìm mọi cách để cứu người bị nạn. Họ đang rất cần chúng ta". Ảnh: Quảng Nam Online |
|
Người đàn ông đau đáu nhìn vào tàn cảnh còn sót lại sau trận sạt lở. Ông và vợ may mắn thoát chết nhưng 3 người thân là con trai, con dâu và cháu đã không thoát được. Ảnh: Quảng Nam Online |
Lúc 13h chiều 29/10, điểm sạt lở cuối cùng tại km81, quốc lộ 40B đã được thông tuyến, giúp lực lượng cứu nạn có thể đi vào hiện trường vụ sạt lở đất tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My.
|
Các lực lượng chức năng đã nhanh chóng tiếp cận và đưa những người bị thương nặng ra trước, trong đó có 2 em bé đã may mắn thoát chết. Ảnh: Zingnews |
|
Những người bị thương nặng được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Ảnh: VGP |
|
Hai mẹ con chị Trần Thị Diện - thoát chết trong vụ sạt lở, được chăm sóc tại Trung tâm Y tế Bắc Trà My. Chồng của chị Diện cũng thoát chết, đang ở hiện trường để cố tìm kiếm tung tích 3 người con của mình. Ảnh: Quảng Nam Online |
Chiều 29/10, lực lượng chức năng đã cứu được 33 người và 6 thi thể nạn nhân bị vùi lấp. Hiện tại, lực lượng cứu nạn đang tập trung nỗ lực tìm kiếm 14 người còn đang mất tích trong vụ sạt lở.
Tại tỉnh Quảng Nam, đến 16h chiều 29/10, sạt lở đất làm 19 người chết, 22 người mất tích. Trong đó, riêng huyện Nam Trà My có 14 người chết, 14 nạn nhân mất tích. Huyện Phước Sơn có 5 người chết, 8 người mất tích; huyện Bắc Trà My 1 người mất tích.
|
Các lực lượng chức năng đang khẩn trương tìm kiếm những người bị nạn còn lại sau vụ sạt lở tại Trà Leng. Video: Nhật Sang |
(Tổng hợp)