GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết trong tuần này Việt Nam sẽ nhận 3 triệu liều vắc xin COVID-19 Moderna do Chính phủ Hoa Kỳ viện trợ thông qua cơ chế Covax facility.
Việt Nam sẽ nhận 100.000 liều từ Chính phủ Rumani. Việt Nam cũng đang đề nghị Chính phủ Trung Quốc viện trợ không hoàn lại 5 triệu liều vắc xin Sinopharm.
Đến nay Việt Nam đã nhận hơn 10,6 triệu liều vắc xin COVID-19, trong đó có 7,1 triệu liều AstraZeneca; Moderna (2 triệu liều), Pfizer (194.200 liều)...
Trong quý 3 sẽ có khoảng hơn 26 triệu liều vắc xin, quý IV là khoảng 65,5 triệu liều về Việt Nam. Tổng cộng 2 quý là khoảng hơn 91,5 triệu liều, trong đó có khoảng 20 triệu liều vắc xin Pfizer dành cho trẻ em dưới 18 tuổi.
Tối 19/7, Bộ Y tế cho biết Pfizer đã đồng ý tăng số lượng vắc xin COVID-19 cung cấp cho Việt Nam trong Quý 3 từ 3 triệu lên 3,5 triệu liều và đồng ý bán thêm thêm 20 triệu liều trong năm 2021, nâng tổng số liều vắc xin Pfizer dự kiến bán cho Việt Nam là 51 triệu liều, tăng 20 triệu liều so với kế hoạch.
Dự kiến trong năm 2021 và đầu năm 2022, Việt Nam dự kiến có tổng cộng 175 triệu liều. Tính đến nay tổng cộng Việt Nam đã thực hiện tiêm chủng 4.305.501 liều vắc xin phòng COVID-19.
GS.TS Đặng Đức Anh, cho biết: “Thông tin cho rằng Việt Nam phải cần tới 10 năm nữa mới đạt được mục tiêu tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho 75% dân số là không chính xác và không có cơ sở. Nếu chúng ta theo dõi tiến độ tiêm chủng tại Việt Nam, đặc biệt tại các khu vực đang có dịch bệnh như TPHCM, các tỉnh phía Nam, tỷ lệ tiêm vắc xin rất cao trong một thời gian ngắn”.
Từ tháng 7/2021 - tháng 4/2022, Việt Nam triển khai Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử với khoảng 150 triệu liều vắc xin được tiêm cho 70% dân số (khoảng 75 triệu người).