Lễ tưởng niệm bắt đầu lúc 20 giờ hôm nay (19/11) tại điểm cầu chính là Hội trường Thống Nhất, điểm cầu phụ ở công viên Thống Nhất (Hà Nội) và truyền hình trực tiếp. Dự kiến tại điểm cầu chính có khoảng 1.000 đại biểu tham dự, bao gồm nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng đại diện 50 gia đình có thân nhân mất vì Covid-19.
Dự kiến sau khi xem một số hình ảnh, phóng sự về những ngày tháng chống dịch, các đại biểu thực hiện nghi thức thắp nến tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch. Ngoài ra còn có các hoạt động như thả đèn hoa đăng trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (trước chùa Pháp Hoa, Quận 3) và trên kênh Tàu Hủ - Bến Nghé (gần cầu Mống, Quận 4).
Vào 20 giờ 30, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM khuyến nghị tất cả các chùa và cơ sở tự viện trên địa bàn dành một phút tưởng niệm với nghi thức thỉnh đại hồng chung, dừng mọi hoạt động để hưởng ứng. Các nhà thờ và nhà nguyện trong tổng giáo phận đồng loạt đổ chuông sầu khoảng 5 phút, để cầu nguyện và tưởng nhớ đồng bào đã tử vong trong đại dịch.
Lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cũng cho biết đã gửi văn bản đến Cảng vụ Hàng hải và Cảng vụ Đường thủy nội địa thông báo các phương tiện như tàu, thuyền, sà lan… đang lưu đậu trên tuyến kênh, sông, luồng hàng hải trên địa bàn kéo hồi còi tưởng niệm. TP.HCM kêu gọi người dân tắt đèn và thắp nến vào thời điểm 20 giờ 30 ngày 19/11 tại các nơi công cộng, đường đi bộ, công viên, khu dân cư, căn hộ, khách sạn, văn phòng, nhà dân tưởng niệm đồng bào đã mất.
Theo kế hoạch của UBND TP.HCM, các địa phương kết thúc sớm nhất lúc 21 giờ và có thể kéo dài thời gian tổ chức để người dân trên địa bàn thực hiện nghi thức tưởng niệm.
UBND TP.Hà Nội cũng đã ban hành kế hoạch tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19.
Mục đích nhằm tưởng niệm đồng bào tử vong và tri ân cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng đã hy sinh vì dịch bệnh Covid-19; thể hiện sự chia sẻ sâu sắc, động viên của Đảng, Nhà nước, MTTQ VN, TP.Hà Nội trước những mất mát, đau thương của các gia đình, người thân, lan tỏa tình nhân ái cộng đồng.
Tiếp tục động viên tinh thần các lực lượng tuyến đầu và nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong phòng chống dịch Covid-19. Khích lệ tinh thần đại đoàn kết, ý chí quật cường của toàn dân tộc, vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Việc tổ chức lễ tưởng niệm phải đảm bảo trang nghiêm, trang trọng, tiết kiệm, thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh.
Tại đầu cầu Hà Nội sẽ tổ chức tại sân khấu đa năng công viên Thống Nhất (Quận Hai Bà Trưng), dự kiến khoảng 300 đại biểu.
TP.Hà Nội giao Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) vận động các cơ sở tôn giáo (chùa, nhà thờ...) trên địa bàn căn cứ tình hình thực tế tổ chức hình thức tưởng niệm phù hợp, cùng đánh (thỉnh) chuông tưởng niệm vào 20 giờ 30 ngày 19/11.
Các sở ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở Hà Nội vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và người dân trên địa bàn tắt đèn và thắp nến để tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 lúc 20 giờ 30 ngày 19/11.
Tính đến ngày 18/11, cả nước có 23.476 ca tử vong do Covid-19, trong đó TP.HCM là 17.347 người. Tại các kỳ họp, hội nghị từ cấp trung ương đến các địa phương, thời điểm khai mạc luôn có 1 phút dành để tưởng niệm những đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Covid-19.
Tại TP.HCM cũng đã diễn ra nhiều hoạt động tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch.