Theo đó, thời gian lấy mẫu từ 10h - 22h ngày 1/7, đối tượng lấy mẫu là người từ 18 tuổi trở lên, người già yếu, bệnh tật, trẻ em không lấy mẫu. Nguyên tắc lấỵ mẫu là mẫu gộp 10, mỗi đội lấy mẫu sẽ lấy 1.000 mẫu trong thời gian 10 tiếng (trong ngày).
TP. Thủ Đức sẽ sử dụng lại các khu vực bỏ phiếu bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và bâu cử Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 để làm điểm lấy mẫu cho người dân trên địa bàn.
Đối với các doanh nghiệp có từ 500 lao động trở lên, trên cơ sở số đội được giao, phường có trách nhiệm hướng dẫn và cử 1 cán bộ cùng công an thành phố và quân sự thành phố hỗ trợ công tác lấy mẫu tại các doanh nghiệp.
Trong đợt dịch thứ 4, TP.HCM đã có 55/130 bệnh viện trên địa bàn có trường hợp F0 đến khám, chữa bệnh, đa số được bệnh viện phát hiện chủ động. Tuy nhiên, cũng có một số bệnh viện phát hiện bị động dẫn đến sự lây lan mầm bệnh.
Do tính chất lây lan rất nhanh của chủng Delta, trong đợt bùng phát này, nhiều bệnh viện phải phong tỏa như Bệnh viện quận Tân Phú, Bệnh viện Nam Sài Gòn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và mới đây là Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn.
Ở Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, việc xét nghiệm tầm soát giúp phát hiện 10 ca mắc COVID-19 là nhân viên, người lao động (nhân viên bảo vệ, phòng Tài chính Kế toán). Hiện bệnh viện được tạm phong tỏa toàn bộ để rà soát, kiểm tra xét nghiệm lại toàn bộ nhân viên.
Ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, từ một thân nhân của bệnh nhân đang điều trị tại khoa B4 (khoa Lao kháng thuốc) mắc COVID-19, bệnh lây lan sang 24 người khác là thân nhân, bệnh nhân của khoa này và khoa B3 ở cùng một khối nhà. Bệnh viện đang tạm phong tỏa khu vực điều trị nội trú bệnh lao để rà soát lại toàn bộ các khoa, phòng khác (tất cả cho kết quả xét nghiệm âm tính lần 1).
Theo TTXVN, trước tình hình đó, Sở Y tế yêu cầu tất cả các bệnh viện tiếp tục triển khai các giải pháp theo tiêu chí bệnh viện an toàn của Bộ Y tế, các hướng dẫn cụ thể của Sở Y tế, đồng thời siết chặt hơn các giải pháp đảm bảo an toàn và hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch trong bệnh viện.
Đối với người thăm nuôi bệnh nhân, các bệnh viện phải làm xét nghiệm RT-PCR trước khi tham gia chăm sóc người bệnh. Trường hợp người bệnh dương tính cần can thiệp chuyên khoa thì chuyển đến Bệnh viện Trưng Vương.
Nếu tình trạng bệnh nhân cấp cứu cần can thiệp ngay, phải sẵn sàng khu cách ly có phòng mổ hoặc phòng sinh, phòng hồi sức sau mổ, hậu sản… và hội chẩn bệnh viện tuyến trên trước can thiệp.
Các bệnh viện cần thực hiện xét nghiệm định kỳ hàng tuần và đột xuất cho nhân viên (trước và sau khi tham gia các đội tiêm vaccine và lấy mẫu xét nghiệm). Sở Y tế cũng khuyến khích các bệnh viện tiếp tục đầu tư nguồn lực để triển khai xét nghiệm RT-PCR.