Sau khi chùm 4 ca bệnh COVID-19 được phát hiện, 15 ngày qua không ghi nhận ca nhiễm mới cộng đồng, các địa điểm liên quan chuỗi lây nhiễm nCoV được gỡ phong tỏa từ ngày 16/12.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Lê Hồng Nga - trưởng khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) - khẳng định đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy sự đồng lòng của người dân với công tác phòng chống dịch của TP.
Trước đó, chiều tối 30/11, Bộ Y tế thông báo ghi nhận một ca COVID-19 là bệnh nhân 1347, lây nhiễm từ bệnh nhân 1342 khi còn đang trong thời gian cách ly. Bộ Y tế và đầu cầu là các đơn vị liên quan tại TP.HCM đã họp khẩn để khẩn cấp khoanh vùng, truy vết những người tiếp xúc với hai trường hợp này.
Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định TP.HCM không phải là ổ dịch, mà là nơi lây nhiễm từ bên ngoài. Đồng thời yêu cầu cấp tốc, thần tốc điều tra truy vết mọi đối tượng F1 và F2, số lượng người đã phát hiện, không để vòng tuần hoàn dịch thứ 3 xảy ra lây nhiễm trong cộng đồng. Những ngày sau đó, HCDC liên tục thông báo hàng loạt địa điểm và thời gian các bệnh nhân từng đi qua, đồng thời kêu gọi người dân nào từng đến các địa điểm trên liên hệ ngay cơ quan y tế gần nhất và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo đúng hướng dẫn. 2 bệnh nhân mới liên quan đến 2 bệnh nhân trên là các ca bệnh 1348 và 1349.
Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, để kiểm soát 4 ca bệnh này, có những thời điểm ngành y tế cũng như các ban ngành liên quan rất áp lực về thời gian để truy vết thần tốc khi lịch trình di chuyển các bệnh nhân dày đặc, đặc biệt là bệnh nhân 1347. Mọi người phải làm việc di chuyển liên tục, thức thâu đêm để truy vết, khoanh vùng những người liên quan. Chưa kể có một vài người nhiễm Covid-19 và người tiếp xúc không nhớ lịch trình, thậm chí là không hợp tác.
HCDC phải nhờ tới sự hỗ trợ của Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia và sử dụng công nghệ thông tin dò tìm bằng tính năng định vị từ số điện thoại di động.
Bà Nga cho biết thời gian qua, TP.HCM thực hiện quản lý và kiểm soát dịch COVID-19 theo phương pháp quản lý chuỗi lây nhiễm.
"Ngay từ đầu chúng ta đã kiểm soát được nguồn lây F0, không để xảy ra tình trạng lây lan rộng. Chúng tôi chỉ sợ khi không rõ nguồn gốc ca F0 vì không biết "địch" ở đâu mà đánh, không biết người nào lây cho người nào" - bà Nga nói.
Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, TP.HCM vẫn là địa phương có nguy cơ COVID-19 xâm nhập, đây là thách thức rất lớn của TP, buộc phải đầu tư rất nhiều để kiểm soát dịch từ các chuyến bay giải cứu, các cảng đường thủy, chuyên gia nhập cảnh vào làm việc, cách ly tổ bay quốc tế, kiểm soát quy trình cách ly tại các khu cách ly (tại quân đội, quận huyện, khách sạn...).
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM, cho biết, 17 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi và Nhi đồng Thành phố, bao gồm 4 ca nhiễm nội địa và 13 ca nhập cảnh cách ly ngay, sức khỏe ổn định.
"Thành phố đã kiểm soát được chuỗi lây nhiễm nCoV cộng đồng từ 'bệnh nhân 1342', tuy nhiên ngành y tế vẫn luôn tăng cường chống Covid-19 chứ không chủ quan, lơ là", bác sĩ Dũng chia sẻ.
HCDC thời gian qua tăng cường xét nghiệm giám sát các nhóm nguy cơ cao như bến xe, bệnh viện, doanh nghiệp... Hiện chưa phát hiện trường hợp dương tính.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu các sở ngành và quận huyện không được chủ quan, từ nay đến cuối năm sau phải ưu tiên chống dịch.
"Covid-19 không chỉ ảnh hưởng lớn sức khỏe cộng đồng mà còn tác động rất lớn đến kinh tế thành phố. Những nơi nào có ca nhiễm đi qua, các cơ sở dịch vụ đều phải đóng cửa", ông Phong nói.