Trong đề xuất của mình, Sở Công thương TP.HCM nêu điều kiện để các hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chỗ phải đáp ứng đầy đủ quy định theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố (Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM sẽ sớm ban hành).
Các hàng quán phải đóng cửa trước 21h hàng ngày và được phục vụ tối đa 50% công suất, trừ nhà hàng tổ chức tiệc cưới, nhà hàng tại các cơ sở lưu trú, cơ sở tham quan phục vụ khách du lịch.
Hàng quán không bán, không sử dụng đồ uống có cồn. Tuy nhiên, căn cứ vào mức độ kiểm soát dịch bệnh tại các địa bàn, cho phép quận 7 và TP Thủ Đức được thí điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống có bán, sử dụng đồ uống có cồn tại một số địa bàn do Chủ tịch UBND quận 7 và TP Thủ Đức quyết định.
Ngoài TP.HCM, nhiều tỉnh thành bắt đầu mở các dịch vụ ăn uống vui chơi giải trí. Như tỉnh Long An vừa có quyết định mở lại các cơ sở kinh doanh các dịch vụ như vũ trường, karaoke, massage, quán bar, internet, trò chơi điện tử, câu lạc bộ khiêu vũ, các tụ điểm hát với nhau hoạt động với công suất tối đa 50%...
Các nhà hàng/quán ăn, quán giải khát, phòng tập thể hình (gym), yoga, làm tóc (bao gồm cắt tóc), câu lạc bộ bida, làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu; bảo tàng, triển lãm, thư viện, rạp chiếu phim; cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật được phép hoạt động với công suất tối đa 70%.
Đối với Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ truyền thống hoạt động bình thường.
Tương tự tại Bình Dương và Đồng Nai đang từng bước mở lại các hoạt động kinh doanh. Cụ thể Bình Dương cho phép nhà hàng, quán ăn được phục vụ tại chỗ ở các vùng có cấp độ 1, 2 và 3. Riêng đối với vùng cấp độ 4 (vùng đỏ), hàng quán chỉ được bán mang đi.
Đồng Nai cho phép nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (không phục vụ thức uống có cồn) được hoạt động không quá 50% công suất, giữ khoảng cách 1 m, đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Ngoài ra, địa phương này cho phép người bán hàng rong, bán vé số được hoạt động khi đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc là F0 đã khỏi bệnh. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ truyền thống được hoạt động và phải chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp phòng chống dịch đảm bảo an toàn.