Theo thông tin từ Văn phòng UBND TP.HCM, chính quyền TP.HCM chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư công khai thông tin các dự án bất động sản tại TP.HCM nhằm ngăn chặn việc chuyển quyền sử dụng đất sai phép tại các dự án nhà ở.
Các thông tin công khai bao gồm những dự án đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất; bán nhà ở; dự án đủ điều kiện kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai.
Đối với những dự án nhà ở đã được duyệt nhưng có vi phạm pháp luật về đất đai, không đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà ở đều được công khai các văn bản, quyết định xác định hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư, xây dựng của chủ đầu tư dự án nhà ở tại trụ sở cơ quan và trên Cổng thông tin điện tử. Đồng thời, cung cấp thông tin cho người dân khi có yêu cầu...
Năm 2019, TP.HCM chỉ có 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư. Ảnh: Cẩm Viên |
Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các quận, huyện chịu trách nhiệm thực hiện công bố công khai các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt, trong đó lưu ý thông tin cho người dân những dự án kinh doanh nhà ở đã duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng.
Các quận, huyện cũng chịu trách nhiệm công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện tại trụ sở cơ quan, trên cổng thông tin điện tử của quận, huyện. Ngoài ra, các quận, huyện phải công khai thông tin danh sách các dự án nhà ở đã được duyệt về chủ trương, về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất hoặc có vi phạm pháp luật về đất đai, không đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà ở.
Việc chính quyền TP.HCM công bố công khai các dự án bất động sản nhằm minh bạch hóa thông tin thị trường, bảo vệ quyền lợi cho người dân khi mua nhà, đất. Thời gian vừa qua rất nhiều người dân bị lừa mua nhà hoặc đất ở các dự án pháp lý chưa rõ ràng dẫn đến việc khiếu kiện.
Năm 2019, rất nhiều vụ lừa đảo bất động sản lớn xảy ra, cụ thể là tình trạng phân lô bán nền, lập dự án "ma" trên đất nông nghiệp nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lợi dụng tâm lý thích đất nền, cam kết khả năng tăng giá trị đất chỉ trong một thời gian ngắn, các doanh nghiệp này đã thuyết phục được người mua xuống tiền nhanh chóng.
Điển hình như Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba và các công ty thành viên thu gom nhiều đất nông nghiệp, tự vẽ ra dự án không có thật để bán cho 6.700 khách hàng, chiếm đoạt hơn 2.500 tỷ đồng.
Hay 9 dự án "ma" của Công ty Angel Lina và Công ty TNHH thương mại - dịch vụ đất vàng Hoàng Gia đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền rất lớn của nhiều người bằng cách ký hợp đồng góp vốn, đặt cọc mua đất nền tại 9 dự án không có thật tại TP.HCM.
Những đối tượng này đã tìm những khu đất có diện tích lớn nằm trong phạm vi quy hoạch tại TP.HCM mà không quan tâm mục đích sử dụng đất là đất ở, đất nông nghiệp hay đất trồng cây lâu năm... để lập dự án ảo và rao bán cho nhiều người với hình thức góp vốn với chủ đất, cam kết giao đất trong vòng 3-6 tháng. Số tiền chiếm đoạt ước tính lên đến hơn 285 tỷ đồng.
Công ty TNHH tư vấn đầu tư bất động sản Hoàng Kim Land cũng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 81 tỷ đồng bằng việc lập ra các dự án đất nền không có thật trên địa bàn TP.HCM. Các khu đất Công ty Hoàng Kim Land vẽ “dự án ma” chưa thuộc chủ quyền của công ty này và vẫn là đất nông nghiệp, đất quy hoạch trong diện quy hoạch.
Hoặc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển địa ốc Hưng Thịnh Phát cũng có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Công ty này đã mở bán nhiều dự án ảo như: City 1, 2; Hàm Liêm 1, 2; Ma Lâm Diamond Town; Hưng Thịnh Phát Residence Phan Thiết… Các dự án được quảng cáo có vị trí đẹp, sát UBND huyện, công an huyện và công ty này đã lừa đảo, nhận tiền cọc gần 200 lô đất nhưng gần 1 năm nhưng vẫn chưa được giao đất. Công ty này cũng không trả lãi như đã cam kết.