Tính từ 6h sáng đến 12h trưa nay, 5/7, cả nước có 247 ca nhiễm COVID-19 tại 10 tỉnh thành. Trong đó 220 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
TP.HCM ghi nhận số bệnh nhân lớn nhất với 196 ca, tỉnh Bình Dương thêm 17 ca, Long An 13 ca, Phú Yên 6 ca, Bắc Giang 4 ca. hai tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp mỗi địa phương có thêm 3 ca nhiễm. Quảng Ngãi và Hà Tĩnh mỗi nơi thêm 2 ca và Bắc Ninh có 1 ca.
Số lượng ca mắc mới trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 17.080 ca, trong đó có 5.045 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Hiện tại Việt Nam cũng ghi nhận 90 bệnh nhân COVID-19 tử vong tính từ khi phát dịch đến nay.
Có 14 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Phú Thọ, Hà Nam, Nam Định, Quảng Nam.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, TP.HCM áp dụng phương thức tầm soát diện rộng COVID-19 bằng cách lấy mẫu đại diện hộ gia đình, theo quy tắc hộ dưới 5 người thì chọn một, hộ trên 5 người thì chọn hai.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), người được chọn lấy mẫu trong hộ gia đình là người có nguy cơ cao, như di chuyển nhiều hoặc tiếp xúc nhiều. Riêng khu vực phong tỏa, khu vực lấy mẫu liên quan ca bệnh, khu vực trọng điểm thì lấy mẫu toàn bộ người dân.
Theo HCDC, trong chiến lược xét nghiệm kháng nguyên nhanh bên cạnh xét nghiệm RT-PCR, thành phố phát huy vai trò của test nhanh ở những khu vực nguy cơ nhưng không lạm dụng. Xét nghiệm kháng nguyên nhanh giúp phát hiện sớm các ca nhiễm ở những khu vực nguy cơ cao, từ đó cách ly, khoanh vùng nhanh chóng, cắt đứt chuỗi lây. Năng lực lấy mẫu phù hợp với năng lực xét nghiệm.
Ngoài ra, TP.HCM triển khai thêm hệ thống xét nghiệm PCR trong vài tuần tới, để đạt công suất tổng toàn thành phố là 500.000 mẫu đơn một ngày. Kết quả các trường hợp F1 phải có trong vòng 12 giờ, F2 có kết quả trong vòng 24 giờ để phục vụ công tác truy vết.
Việc giao mẫu đến các phòng xét nghiệm giao thành 3 lần trong ngày, vào lúc 11h, 19h và trước 23h, để đảm bảo phòng xét nghiệm luôn có mẫu chạy, không để dồn ứ mẫu vào một thời điểm trong ngày.
TP.HCM cũng thành lập Trung tâm điều hành, điều phối công tác xét nghiệm do một Phó Chủ tịch UBND đảm nhiệm, để đảm bảo các quy trình vận hành linh hoạt, đáp ứng yêu cầu chống dịch hiện nay.