• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TP.HCM: Tuổi thọ trung bình của người dân tăng nhưng số năm sống khỏe chỉ đến 64

Ông Phạm Chánh Trung cho rằng, dù tuổi thọ người dân nói chung tăng nhưng số năm trung bình...

Báo cáo tại Hội nghị hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số năm 2022 với chủ đề "Nâng cao chất lượng dân số để góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững" và kỷ niệm Ngày dân số Việt Nam 26/12, ông Phạm Chánh Trung - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM cho biết năm 2021, tuổi thọ trung bình của người dân TP.HCM ghi nhận ở mức khá cao 76,2 tuổi, so với cả nước 73,6 tuổi. Tuy tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh khá thấp, chỉ đạt 64 tuổi.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Dẫn lời của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng - nguyên trưởng Ban chỉ đạo cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch, ông Trung nói rằng việc thực hiện tốt công tác dân số là yếu tố cơ bản nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người dân, từng gia đình và toàn xã hội.

Năm 2022, có 449.038 người cao tuổi của TP.HCM được lập hồ sơ khám sức khỏe định kỳ, đạt tỷ lệ vượt 15% so với năm 2021; 577.434 trường hợp dùng các biện pháp tránh thai, đạt 128% so với kế hoạch; tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn cho hơn 28.172 cặp nam, nữ thanh niên ra đăng ký kết hôn.

Ông Trung cũng nêu ra những thách thức trong công tác dân số của cả nước như sự chênh lệch đáng kể; mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh giữa các tỉnh; chỉ số phát triển con người (HDI), cùng với tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện; chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ "dân số vàng" và thích ứng với việc "già hóa dân số".

Những năm gần đây, công tác khám chữa bệnh, quản lý và truyền thông kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi ở TP.HCM được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Thông qua đó đã góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. Tuy nhiên, việc tiếp cận đầy đủ các dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi còn bị giới hạn nhất định, hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chưa bắt kịp với tốc độ già hóa dân số ngày càng tăng tại TP.HCM.

Ông Phạm Chánh Trung cảnh báo về tổng tỉ suất sinh của TP.HCM hiện vẫn ở mức rất thấp so với mức sinh thay thế của cả nước (tổng tỉ suất sinh năm 2022 dự ước là 1,39 con/phụ nữ). TP.HCM cũng là địa phương được xếp trong nhóm 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp.

"Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như làm cho quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh hơn, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội..." - ông Trung nhấn mạnh.

Nếu không tiếp tục duy trì các giải pháp can thiệp mất cân bằng giới tính khi sinh thì tỉ suất giới tính khi sinh vẫn có thể tăng trở lại trong thời gian tới.

Thanh Mai

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật