Quận – huyện đánh giá lại năng lực y tế để tính toán phương án phù hợp trên địa bàn
TP.HCM đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ với một số biện pháp tăng cường. Tuy nhiên, diễn biến của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố đang rất phức tạp, có nhiều điểm mới khó lường, con số người nhiễm bệnh tăng cao, tăng nhanh và dự báo khả năng con số người nhiễm sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới, theo TTXVN.
Đây là nhận định của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM với các sở, ngành, quận, huyện và thành phố Thủ Đức vào trưa 19/6.
Theo Chủ tịch TP.HCM, việc siết chặt, nâng cao hơn mức độ của các biện pháp phòng, chống dịch đang triển khai là phù hợp với yêu cầu của tình hình hiện nay để có thể nhanh chóng kiểm soát và khống chế dịch bệnh, nhất là các chuỗi dịch chưa rõ nguồn lây.
Lãnh đạo thành phố yêu cầu các quận, huyện và thành phố Thủ Đức cần tự rà soát, đánh giá lại năng lực y tế trên địa bàn, nhất là khả năng đáp ứng nhu cầu cách ly tập trung để tính toán phương án phù hợp ở góc độ địa phương.
Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng toàn thành phố đã nỗ lực, thực hiện nhiều biện pháp nghiêm, về cơ bản đã kiểm soát được một số chuỗi lây nhiễm nhưng vẫn chưa khống chế được dịch bệnh. Vì vậy, yêu cầu cấp thiết hiện nay là các sở, ngành, quận, huyện cần triển khai biện pháp mạnh hơn, quyết liệt hơn.
Theo Bí thư TP.HCM, biện pháp căn cơ nhất vẫn là tiêm vaccine, tuy nhiên để vaccine hoạt động hiệu quả cần có thời gian.
Do đó, trước mắt, cần tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch triệt để và tầm soát diện rộng. Đồng thời có biện pháp kiểm soát và giảm bớt dòng người đến thành phố.
Đối với những địa điểm, khu vực có thể đảm bảo an toàn với dịch bệnh thì thực hiện biện pháp nới lỏng hơn. Riêng hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa chỉ hạn chế khi thật sự cần thiết, tránh việc đình trệ.
“Chúng ta chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn để duy trì lợi ích lâu dài, quyết tâm sau một tuần tới, thành phố có thể khống chế được dịch bệnh. Do đó, các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm để tạo nề nếp, kỷ cương trong quá trình thực hiện phòng, chống dịch COVID-19”, ông Nguyễn Văn Nên nói.
Chủ động xây dựng các biện pháp tương xứng, linh hoạt riêng để chống dịch
Nhận định về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng TP.HCM cần cân nhắc mọi tình huống có thể xảy ra, chủ động xây dựng và triển khai một số biện pháp tương xứng riêng, cụ thể, linh hoạt riêng của thành phố để phòng, chống dịch. Trong đó, thành phố siết chặt công tác quản lý, kiểm tra, rà soát các biện pháp đang triển khai.
Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh, biện pháp phòng chống dịch hiệu quả hiện nay là vaccine kết hợp 5K và công nghệ. Trong đó, công nghệ phải được ứng dụng trong các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, ứng dụng trong tiêm vaccine, công tác truy vết, cách ly, trong quản lý hành chính… để nâng cao hiệu quả thực hiện.
Đồng thời, trước khi triển khai biện pháp mạnh hơn, thành phố cần công bố cho người dân biết và nắm bắt rõ các thông tin về cung ứng hàng hóa thiết yếu, lượng thực, thực phẩm, giao thông đi lại… để chủ động trong sinh hoạt, làm việc, tránh việc người dân hoang mang, lo lắng và tích trữ không cần thiết.
Sẵn sàng phương án tổ chức 3.000 giường điều trị bệnh nhân COVID-19
Thông tin tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, tính đến 18 giờ ngày 18/6, có 1.661 trường hợp mắc COVID-19 phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố; trong đó 1.414 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 243 trường hợp nhập cảnh, 370 trường hợp điều trị khỏi, 2 bệnh nhân tử vong; hiện đang điều trị 1.289 bệnh nhân dương tính.
Tính riêng từ 6h ngày 18/6 đến 6hngày 19/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) ghi nhận 104 trường hợp nghi nhiễm COVID-19 đang tiến hành điều tra, gồm 17 trường hợp trong khu phong tỏa, 42 trường hợp trong khu cách ly, 32 trường hợp khi thực hiện mở rộng xét nghiệm ở quận Bình Tân, 1 trường hợp được giám sát sau cách ly tập trung là chuyên gia nước ngoài, 6 trường hợp đang điều tra.
Về các chuỗi lây nhiễm lớn trên địa bàn, Sở Y tế cho rằng đặc điểm lớn nhất của các chuỗi lây nhiễm trong đợt dịch này là chủng virus Delta gây lây nhiễm mạnh trong gia đình, hàng xóm, nơi làm việc. Vì vậy, ngành y tế tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện, siết chặt công tác phân luồng, sàng lọc người bệnh đến khám, đặc biệt lưu ý yếu tố dịch tễ; tất cả nhân viên y tế tuân thủ nghiêm biện pháp 5K và hạn chế tiếp xúc với người xung quanh.
Đồng thời, cơ quan chức năng giám sát, phòng chống dịch trong khu công nghiệp qua việc lấy mẫu tầm soát có trọng tâm ở khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trên địa bàn có môi trường làm việc dễ lây lan, thông khí kém, chế biến thủy hải sản đông lạnh… Bên cạnh đó, ngành y tế cũng triển khai phương án tổ chức 3.000 giường điều trị bệnh nhân COVID-19 cùng với đầy đủ các trang thiết bị hồi sức, cấp cứu bệnh nhân có triệu chứng nặng.
Về công tác tiêm chủng vaccine, thành phố đang triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đợt 3 (từ ngày 3/6/2021) đến nay, đã tiêm cho 67.792 người, trong đó 38.383 người tiêm mũi 1, có 29.409 người tiêm mũi 2, còn lại hơn 4.000 liều sẽ tiêm trong 2 ngày 19 và 20/6/2021.
Sáng 19/6, TP.HCM đã khởi động chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 lớn nhất từ trước đến nay với 786.000 liều được phân bổ.