Sáng 9/3, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết như trên tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, thành phố vừa xét nghiệm tầm soát 109 người mắc COVID-19 thì ghi nhận 103 ca nhiễm biến chủng Omicron. Sau khi giải trình tự gen 67 mẫu, người nhiễm biến thể BA.2 là 43 trường hợp, biến thể BA.1 là 24 trường hợp.
"Như vậy, TP.HCM vừa ghi nhận biến thể BA.1 vừa có cả BA.2 (còn gọi là “Omicron tàng hình”). Điều này lý giải vì sao tốc độ lây lan lại nhanh như vậy trong thời gian qua. Chúng ta không nên quá lo lắng về biến thể mới vì đã có tại thành phố rồi", ông Thượng nói.
Ông Thượng cũng thông tin thêm, hiện biến thể lây nhiễm ở các nước chủ yếu là BA.1, biến thể BA.2 chỉ mới xuất hiện tại một số nước ở châu Phi và dự kiến sẽ xuất hiện tại Ấn Độ thời gian tới.
"Biến thể BA.2 lây lan nhanh hơn BA.1. Nếu có làn sóng lây nhiễm mới biến thể BA.2, vaccine vẫn có hiệu quả bảo vệ cơ thể không bị nặng, nhưng vaccine không đủ để bảo vệ người không bị nhiễm. Do vậy việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 vẫn đang được đẩy mạnh", ông Thượng chia sẻ.
Theo Sở Y tế TP.HCM, tính đến 8/3, toàn thành phố có hơn 8,1 triệu người tiêm mũi 1; hơn 7,3 triệu người tiêm mũi 2; 676.166 người tiêm mũi bổ sung; hơn 4,1 triệu người tiêm mũi nhắc lại.
Phát biểu tại buổi họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, những ngày qua, số ca mắc COVID-19 tại TP.HCM và nhiều nơi khác trên cả nước đang có xu hướng tăng. Ngành y tế cần nhìn nhận đúng tình hình diễn biến dịch COVID-19 để có sự chuẩn bị và giải pháp phù hợp.
TP.HCM mở đợt cao điểm bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao
UBND TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi các sở, ban ngành và các quận, huyện, TP Thủ Đức về việc triển khai đợt cao điểm chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao.
Theo phân tích của Sở Y tế TP.HCM, phần lớn các trường hợp nặng và tử vong do COVID-19 trên địa bàn thành phố có đặc điểm chung là người trên 65 tuổi và có bệnh nền, có trường hợp vẫn chưa tiêm vaccine phòng COVID-19.
Đặc biệt, khi có triệu chứng cần nhập viện thì những trường hợp này đã ở mức độ nặng và chưa được phát hiện là F0 trước đó nên chưa được sử dụng thuốc kháng virus.
Theo nhận định của UBND TP.HCM, việc mở đợt cao điểm của chiến dịch tại thời điểm hiện nay hướng đến những người thuộc nhóm nguy cơ cao là rất cần thiết nhằm giảm số trường hợp mắc COVID-19 nặng và góp phần giảm tử vong.
Theo đề nghị của Sở Y tế, UBND TP.HCM sẽ phát động đợt cao điểm chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao, thời gian của đợt cao điểm từ nay đến ngày 31/3, đối tượng là những người trên 65 tuổi, có bệnh nền.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 phường, xã, thị trấn sẽ tổ chức triển khai "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để cập nhật danh sách những người thuộc nhóm nguy cơ cao; đồng thời triển khai thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19 đối với những người thuộc nhóm nguy cơ cao theo danh sách đang quản lý và danh sách đã được cập nhật.
Theo đó, nếu kết quả xét nghiệm âm tính, người nằm trong nhóm nguy cơ cao sẽ theo dõi sức khỏe tại nhà và được tư vấn từ xa qua mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành"; nếu kết quả xét nghiệm dương tính, cấp ngay và uống thuốc kháng virus, chăm sóc, theo dõi theo hướng dẫn của Sở Y tế về "Hướng dẫn gói thuốc chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0".
Bên cạnh đó, Thành phố sẽ tăng cường tuyên truyền, thuyết phục và phấn đấu tiêm vaccine cho tất cả người thuộc nhóm nguy cơ cao nhưng chưa được tiêm, thời gian hoàn thành tiêm vaccine trước ngày 29/3.
(tổng hợp)