Sáng 7/9, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức chủ trì cuộc họp của Tổ công tác tổ chức cung ứng và tiêm vaccine phòng Covid-19, thảo luận để chuẩn bị cho chiến dịch phủ kín vaccine mũi 1 và tiêm kịp thời vaccine mũi 2 cho người dân từ nay đến 15/9.
Tại cuộc họp, ông Dương Anh Đức dẫn lại lời nhắn gửi của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và nhấn mạnh rằng trước đây, vaccine đứng sau điều trị và truy tìm F0, nhưng giờ vaccine đã là tuyến đầu. Với chính sách "thẻ xanh vaccine" mà TP.HCM đang lên kế hoạch, cần phải sớm tiêm phủ vaccine mới có thể mở cửa, duy trì kinh tế.
TP.HCM đang nghiên cứu chính sách "thẻ xanh vaccine", theo đó sẽ nới lỏng yêu cầu giãn cách xã hội với những người đã tiêm 1-2 mũi vaccine. Thẻ xanh vaccine cũng đã được nhiều địa phương như Bình Dương, Đồng Nai công bố áp dụng để chuẩn bị cho "bình thường mới".
Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp (HEPZA), Ban Quản lý Khu công nghệ cao, Khu Công nghệ cao phần mềm Quang Trung cho beiets có 2 nhóm chính là người lao động đang thực hiện "3 tại chỗ" và những người lao động đang ở ngoài các khu vực này.
Khó khăn trong tổ chức tiêm vaccine cho người lao động đang ở ngoài khu công nghiệp. Một phần do các địa phương thông tin đang chờ vaccine để tiêm cho nhóm công nhân, người lao động này. Các ban quản lý đề xuất được tổ chức tiêm vaccine cho công nhân, người lao động ngay tại doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, chuẩn bị cho quá trình trở lại sản xuất.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nhắc lại TP.HCM đang thực hiện siết chặt giãn cách xã hội, "ai ở đâu ở yên đó", nên cần tổ chức tiêm ngay tại quận/huyện/TP. Người lao động di chuyển từ địa phương khác nhau đến khu công nghiệp để tiêm vaccine sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện nghiêm giãn cách. Các đơn vị phải nghĩ tới "cái chung" và gợi ý có thể tận dụng chính các khu công nghiệp là một điểm tiêm của quận/huyện, tổ chức tiêm cho người dân cũng như người lao động.
Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương nêu giải pháp các doanh nghiệp có thể phối hợp với mỗi quận/huyện/TP để tổ chức một điểm tiêm cho doanh nghiệp ngay tại địa phương đó.
Ông Đức nhấn mạnh các đơn vị cần khẩn trương tiêm cho người chưa tiêm mũi 1 và tiêm mũi 2 cho người đã tới hạn. Sở Y tế phải kiểm tra dữ liệu với Sở Thông tin và Truyền thông, không để sai sót dữ liệu. Hai đơn vị này phải đảm bảo có chứng nhận tiêm đầy đủ cho người dân.
Ttừ nay đến 15/9, TP.HCM cần tiêm khoảng 2 triệu liều vaccine nên "phải căng sức ra làm mới kịp". Phó chủ tịch TP đề nghị Sở Y tế đẩy tiến độ tiêm ở các quận/huyện trên mọi hướng, tăng cường tiêm ban đêm.
Theo đó, thứ nhất là điểm tiêm cố định tại cộng đồng. Ngành y tế phải quán triệt trong hệ thống rằng vaccine cấp cho địa bàn là cấp cho toàn bộ người dân.
Thứ hai là điểm tiêm đặc thù dành cho đối tượng là doanh nghiệp, chủ yếu đẩy trước doanh nghiệp tuyến đầu để thực hiện nhanh nhất có thể, phương châm là linh hoạt, với mục tiêu tổ chức tiêm vaccine hiệu quả nhất.
Thứ ba là đội tiêm di động. Nhóm này cần tập trung tiêm tận nhà trong khu trọ đông công nhân. Đội tiêm cần phối hợp với đội xét nghiệm để tiêm cho người người test nhanh âm tính. Ngành y tế khai thác hiệu quả hơn 25 xe tiêm lưu động. Ông cũng đề nghị đơn vị sớm tiêm cho nhóm giáo viên để từng bước trở lại dạy học và shipper, người giao hàng trong hệ thống logistics.
Cuối cùng, Sở Y tế phải báo cáo ngay với Bộ Y tế để xin khẩn cấp bổ sung vaccine tiêm mũi 2.
Ông Dương Anh Đức đề nghị các quận/huyện kêu gọi người thuộc đối tượng nguy cơ cao trên 65 tuổi, có bệnh nền cố gắng tiêm sớm. Thành phố đang mở rộng đối tượng ưu tiên tiêm ra người trên 50 tuổi.
Phó chủ tịch TP.HCM nhấn mạnh thông điệp "F0 khỏi bệnh thuộc đối tượng hoãn tiêm trong vòng 6 tháng". Thời gian tới, nhóm này sẽ được xếp tương đương với người đã tiêm 2 mũi vaccine để tham gia các hoạt động. Ngành y tế cần thiết kế lại giấy ra viện như một dạng giấy xác nhận và đưa lên hệ thống.
Sở Y tế mạnh dạn đề xuất chính sách khen thưởng, kỷ luật đơn vị thực hiện tốt hoặc không tốt công tác tiêm vaccine.