Tối 12/7, Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM tổ chức họp báo thông tin về tình hình phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố.
Thông tin về tình hình hệ thống phân phối hàng hóa trên toàn TP, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết toàn TP có 169 chợ (bao gồm 3 chợ đầu mối) và 4 siêu thị đang tạm ngưng hoạt động. Trong đó, 4 siêu thị tạm ngưng do có ca nhiễm COVID-19, các chợ truyền thống do địa phương đánh giá theo tiêu chí an toàn và yêu cầu tạm ngưng hoạt động.
Việc các chợ ngưng hoạt động đã ảnh hưởng lớn tới nguồn cung ứng hàng hóa cho người dân. Nguồn hàng hóa cung ứng một số nơi bị thiếu hàng cục bộ, chủ yếu là thực phẩm tươi sống. Sở đã triển khai quyết liệt các biện pháp, tuy nhiên do tình hình phòng chống dịch COVID-19 tại các địa phương và các vùng nguyên liệu diễn biến phức tạp, các địa phương tăng cường áp dụng biện pháp phòng chống dịch, dẫn đến việc vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương khẳng định, việc thiếu hàng hóa chỉ xảy ra tại các cửa hàng thực phẩm nhỏ lẻ, nhất là các cửa hàng tiện lợi. Với đặc thù diện tích cửa hàng nhỏ, không có kho dự trữ hàng hóa, nên trong một thời điểm nhiều người cùng mua hàng sẽ làm hàng hóa bị gián đoạn hoặc thiếu hàng cục bộ.
“Các hệ thống siêu thị lớn có kho hàng dự trữ lớn, số lượng quầy kệ nhiều nên nguồn hàng dự trữ đầy đủ, không xảy ra hiện tượng thiếu hàng. Giá cả cũng được đảm bảo giữ mức bình ổn, không có hiện tượng tăng giá”, ông Phương cho biết thêm.
Liên quan đến thông tin người dân chia sẻ trên cộng đồng mạng về việc một số sản phẩm có giá bán quá cao, đơn cử như một bắp cải có giá hơn 200 nghìn đồng, Sở Công Thương cho biết, tại một số hệ thống siêu thị có những sản phẩm đặc thù, hàng nhập khẩu có mức giá cao phục vụ theo nhu cầu người dân; dẫn đến việc người dân dễ bị nhầm lẫn giá cả tăng nhiều. Bên cạnh đó, các hệ thống phân phối lớn cạnh tranh rất quyết liệt, việc tự tăng giá ở các hệ thống lớn là khó xảy ra.
Ngoài ra, để kiểm soát việc giá cả hàng hóa, Sở Công Thương đã cử lực lượng kiểm soát túc để theo dõi, bám sát tình hình giá cả thị trường và cung ứng hàng hóa, kịp thời xử lý mọi tình huống phát sinh. Sở cũng phối hợp với Quản lý thị trường nhắc nhở những trường hợp mua tích trữ nhiều, có dấu hiệu gom hàng và xử phạt với các trường hợp vi phạm.
Đánh giá chung về tình hình giao thông trên địa bàn TP trong 3 ngày đầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, Giám đốc Sở GTVT TP Trần Quang Lâm cho rằng, cả người dân và doanh nghiệp trên địa bàn TP đã phối hợp và chấp hành các quy định tương đối tốt. Lưu lượng giao thông tại TP đã giảm 70-80% so với ngày thường.
Tuy nhiên, trong sáng ngày 12/7 xảy ra hiện tượng ùn ứ tại chốt kiểm soát trên đường Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp) - đây là nơi có lượng người lưu thông lớn. Lực lượng chức năng đã linh hoạt xử lý, sau 30 phút chốt kiểm soát đã thông thoáng hơn.
Theo Sở GTVT, toàn TP hiện có 12 chốt kiểm soát với các tỉnh lân cận và 310 chốt kiểm soát trong nội thành. Đối với các chốt trong nội thành, Sở đã có văn bản đề nghị địa phương chủ động triển khai linh hoạt, điều chỉnh vị trí và số lượng phù hợp với từng địa bàn. Sở sẽ phối hợp với địa phương điều tiết phân luồng từ xa, kết nối giữa các quận để tránh tình trạng ùn ứ và tập trung đông người.
“Trong lúc này, biện pháp căn cơ để hạn chế người dân đi lại, trước hết cần ý thức của người dân trong việc phối hợp với lực lượng chức năng thực hiện nghiêm quy định về giãn cách. Cùng với đó, các quận, huyện, TP Thủ Đức cần tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định phòng dịch tại các đơn vị sự nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt số lượng người đi làm và tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh có đúng với quy định hay không”, Giám đốc Sở GTVT TP Trần Quang Lâm nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo Giám đốc Sở GTVT, TP đã thống nhất việc không kiểm tra giấy xét nghiệm COVID-19 tại các chốt trong nội thành, chỉ kiểm tra tại các chốt kiểm soát giáp danh với các tỉnh thành lân cận.
Sở GTVT thông tin thêm, hoạt động vận tải hàng hóa được đảm bảo lưu thông từ các tỉnh về TPHCM và ngược lại. Trong 3 ngày, TP đã cấp Giấy ưu tiên tạo “luồng xanh” cho 17.000 phương tiện, gồm xe chở hàng hóa hóa thiết yếu, xe ra vào cảng…
Trả lời câu hỏi về tiêm vaccine cho tài xế và shipper, Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm cho hay, tài xế là đối tượng ưu tiên để tiêm vaccine.
Thời gian qua, TPHCM đã tiêm vaccine đối với hơn 10.000 tài xế xe buýt, taxi, xe tải. TPHCM là địa phương tiêm sớm nhất, nhiều nhất đối với tài xế.
Riêng xe buýt, đã có 70% tài xế được tiêm phòng. TPHCM hiện còn 7.000 tài xế taxi, 8.000 tài xế xe tải chưa được tiêm.
TPHCM cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất ưu tiên tiêm vaccine đối với các shipper bởi đây là lực lượng giao nhận hàng hóa nhiều trong thời điểm giãn cách xã hội.
---
Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, mối quan tâm rất lớn của người dân và cơ quan hiện nay là vấn đề vaccine. TPHCM đã được phân bổ hơn 54.000 liều vaccine Pfizer.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, dự kiến trong thời gian ngắn nữa, TPHCM sẽ được tiếp nhận 1 triệu liều vaccine Moderna, 100.000 liều vaccine AstraZeneca.
Với hơn 1 triệu liều này, ngành y tế đã xây dựng kế hoạch tổ chức tiêm cho người dân trên địa bàn Thành phố.
Ông Nam cho biết, Thành phố sẽ thành lập trung tâm điều phối vaccine do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố điều phối chung. Kế hoạch tiêm diễn ra nhanh, an toàn, hiệu quả, bảo đảm nguyên tắc không tập trung đông người.
Thành phố tổ chức 630 điểm tiêm chủng tại 312 trạm y tế quận, huyện. Mỗi trạm tiêm có 2 bàn tiêm, phường, xã có đông dân cư thì bố trí thêm bàn tiêm nhưng mỗi trạm chỉ tiêm cho 120 người, nhằm bảo đảm tổ chức giãn cách. Dự kiến sau 2-3 tuần, Thành phố sẽ tiêm hết được số vaccine phân bổ.