• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trao quyền cho phụ nữ góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển

Nestle’Việt Nam quan niệm thúc đẩy việc trao quyền cho phụ nữ trong doanh nghiệp xóa bỏ...

Là doanh nghiệp FDI có mặt hơn 25 năm qua tại Việt Nam, Nestle’Việt Nam quan niệm thúc đẩy việc trao quyền cho phụ nữ trong doanh nghiệp không chỉ xóa bỏ được các rào cản trên mà còn là yếu tố đầu tư chiến lược để phát triển bền vững.

Ngày nay, các tập đoàn đa quốc gia ngày càng quan tâm tới bình đẳng giới (BĐG). Các đối tác, nhà đầu tư sẽ ưu tiên tới yếu tố này khi khảo sát để đưa ra quyết định đầu tư vì thực hiện BĐG cho thấy doanh nghiệp (DN) đó coi trọng các yếu tố về con người, xã hội. Chính vì vậy, nâng cao vai trò của phụ nữ, thúc đẩy BĐG tại nơi làm việc sẽ góp phần quan trọng tới phát triển bền vững của DN.

          Hoạt động trao quyền cho phụ nữ được Nestlé thực hiện thông qua dự án NESCAFÉ Plan tại Việt Nam góp phần nâng cao vai trò quản lý của người phụ nữ, nhất là nữ nông dân. Ảnh: VGP/Thanh Thủy.

Hoạt động trao quyền cho phụ nữ được Nestlé thực hiện thông qua dự án NESCAFÉ Plan tại Việt Nam góp phần nâng cao vai trò quản lý của người phụ nữ, nhất là nữ nông dân. Ảnh: VGP/Thanh Thủy.

Lợi ích từ trao quyền cho phụ nữ

Theo nghiên cứu của một số tập đoàn nước ngoài, nếu tôn trọng các chỉ số về BĐG thì giá trị của những DN đó sẽ tăng hơn. Theo nhiều khảo sát, những nhóm làm việc nào có cả nam và nữ thì năng suất và hiệu quả công việc sẽ cao hơn 20% so với chỉ có một giới.

Các nhà khoa học thuộc Đại học Harvard và Đại học California (Hoa Kỳ) đã kết luận nữ lãnh đạo có khả năng truyền nhiệt huyết của mình cho nhân viên nhằm hướng đến mục tiêu chung của DN tốt hơn nam giới. Tính cách của lãnh đạo nữ là sự phân quyền, sẵn sàng chia sẻ quyền lực của họ cho nhân viên để đạt được mục tiêu chung hay nói cách khác giới nữ điều hành công việc bằng sức mạnh mềm,…

Do đó, việc vận dụng những nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ sẽ đem lại những lợi ích thiết thực tại nơi làm việc cho cả người sử dụng lao động và người lao động. Đặc biệt, đẩy mạnh BĐG và trao quyền cho phụ nữ trong các hoat động xuyên suốt chuỗi giá trị của công ty với triết lý phụ nữ ở bất cứ vị trí nào luôn đóng vai trò quan trọng, là sự bổ trợ và kết hợp hoàn hảo với những điểm mạnh của nam giới, mang lại thành công cho DN cũng như toàn xã hội.

Theo bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam, thông qua chính sách BĐG và thúc đẩy cho phụ nữ cơ hội phát triển sự nghiệp, các công ty có thể thu hút và giữ chân nhân tài. Các chính sách về BĐG sẽ giúp nâng cao hình ảnh và giá trị thương hiệu, một tài sản vô hình quan trọng của các DN.

Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đánh giá DN nữ Việt Nam ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, tạo ra một phong cách kinh doanh độc đáo, mềm dẻo, linh hoạt rất có hiệu quả. Việt Nam trở thành một nước có tỉ trọng giới nữ tham gia hoạt động kinh tế cao so với các nước trong khu vực. Việt Nam nằm trong tốp 10 nước trên thế giới có tỉ lệ DN có nữ CEO cao nhất (33%)…

Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk cũng từng đặc biệt nhấn mạnh về vai trò của phụ nữ trong thời đại hiện nay, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh. Lãnh đạo phụ nữ đang tạo ra ngày càng nhiều những giá trị mới, đó chính là giúp giải quyết công ăn việc làm cho xã hội và đưa các thương hiệu Việt Nam vươn ra thế giới.

Theo bà Mai Kiều Liên, lãnh đạo nữ chỉ thua nam về sức mạnh cơ bắp, còn tất cả mọi thứ, từ kiến thức, đạo đức, tư duy, đến đối nhân xử thế... đều giống nhau. Nếu có sự khác biệt thì chỉ ở chỗ phụ nữ biết lắng nghe và thấu hiểu người đối diện với mình hơn. Điều đó cũng phần nào mang đến thành công cho phụ nữ khi họ đồng hành với người đối diện.

Là một DN FDI có mặt hơn 25 năm qua tại Việt Nam, Nestle’Việt Nam đã có nhiều giá trị tích cực đã được lan tỏa trong cộng đồng và đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội trong lĩnh vực BĐG. Ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam chia sẻ trao quyền cho phụ nữ là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững cũng như giải quyết những thách thức chính như đói nghèo, bất bình đẳng, bạo lực đối với phụ nữ.

Cụ thể, Nestlé tiếp tục khẳng định cam kết về BĐG và trao quyền cho phụ nữ. Tập đoàn cùng đưa ra mục tiêu cụ thể để tiếp tục tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy mọi tiềm năng trong công việc cũng như đào tạo nâng cao tay nghề cho phụ nữ trong mạng lưới cung ứng nguồn nguyên liệu.

Kể từ năm 2013, Nestlé đã ký cam kết thực hiện những nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ với cơ quan phụ nữ Liên Hiệp Quốc. Đây là một kế hoạch gồm 7 bước thực hiện dành cho DN nhằm tăng cường bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ để có thể tham gia trọn vẹn mọi hoạt động kinh tế tại nơi làm việc, trên thương trường và trong cộng đồng, góp phần xây dựng một nền kinh tế mạnh hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ và gia đình và xã hội.

Thực hiện cam kết này, hoạt động bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ được Nestlé thực hiện thông qua dự án NESCAFÉ Plan tại Việt Nam, trong đó Nestlé góp phần nâng cao vai trò quản lý của người phụ nữ, đặc biệt là nữ nông dân.

Lồng ghép bình đẳng giới vào chính sách của DN

Chia sẻ về quá trình lồng ghép BĐG vào các chính sách của DN, ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam cho biết Tập đoàn đã chú trọng xây dựng các chính sách và chiến lược phát triển bền vững dựa trên giá trị về tôn trọng sự khác biệt và các nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ không chỉ dành cho nhân viên mà còn lan tỏa ra cộng đồng.

Tại Việt Nam, Tập đoàn  đã thực hiện các chương trình BĐG làm việc và trong toàn chuỗi giá trị của mình từ những ngày đầu thành lập. Từ năm 2020, Nestlé đã hợp tác với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện chương trình “Nestlé đồng hành cùng phụ nữ” và định hướng cho các hoạt động trong thời gian tới.

Với các hoạt động về truyền thông dinh dưỡng cũng như xây dựng mô hình hỗ trợ phụ nữ làm chủ kinh tế, chỉ sau hơn 1 năm thực hiện, chương trình đã thu hút hơn 4.000 hội viên tại 700 xã ở 10 tỉnh, thành, tạo ra những tác động và thay đổi tích cực cho cuộc sống của các chị em phụ nữ tại các khu vực mà chương trình tiếp cận.

Tại Công ty Nestlé Việt Nam, nguyên tắc BĐG được thể hiện qua việc xây dựng các chính sách và chiến lược phát triển nhân sự, từ tuyển dụng, hoạch định vị trí kế thừa, thăng chức. Tỉ lệ nữ giới nắm giữ các vị trí quản lý cấp cao, lãnh đạo đã không ngừng tăng lên. Cụ thể, nữ giới nắm các vị trí trong Ban giám đốc đã vượt số lượng nam đồng nghiệp với tỉ lệ 55%, nữ giới cũng nắm xấp xỉ 50% vị trí quản lý các cấp khác. Các lớp huấn luyện kỹ năng mềm giúp nữ nhân riêng nói riêng cân bằng công việc và cuộc sống hoặc vượt qua những trở ngại bắt nguồn từ định kiến, làm chủ kế hoạch phát triển bản thân, phát triển sự nghiệp cũng được triển khai bất kể những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra vừa qua.

Trong cộng đồng, ngoài chương trình “Nestlé đồng hành cùng phụ nữ”, cam kết nâng cao quyền năng phụ nữ của Nestlé Việt Nam còn thể hiện ở tỷ lệ 30% nữ giới đảm nhiệm vai trò trưởng nhóm nông dân trong dự án toàn cầu Nescafé Plan.

Là một DN sữa có có vị thế cao trên thị trường toàn cầu, nguyên tắc BĐG được Vinamilk thể hiện trong chính sách về môi trường làm việc, quy tắc ứng xử và là một trong các nguyên tắc quan trong nhất, được công bố rộng rãi trong nội bộ DN cũng như các bên liên quan thông qua Báo cáo Phát triển bền vững hàng năm.

Hiện nay lao động nữ chiếm 23.1% trong tổng lao động trực tiếp của Vinamilk với 100% tham gia hệ thống quản trị an toàn và sức khỏe nghề nghiệp; 40% đội ngũ điều hành là nữ, và gần 30% cấp quản lý của công ty là nữ. Năm 2020, gần 650 khóa học đã được tổ chức, trong đó, số giờ đào tạo trung bình cho lao động Nam và Nữ tương đồng

Vinamilk đã cam kết thực hiện nguyên tắc bình đẳng nam nữ trong việc tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, trả lương, trả công lao động, khen thưởng, thăng tiến, về các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, điều kiện lao động, an toàn lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và các chế độ phúc lợi khác. Ngoài ra, Công ty quan tâm và dành thêm những ưu đãi nhất định cho lao động nữ, thông qua việc xây dựng quy định về chính sách và chế độ phúc lợi dành riêng cho lao động nữ.

Thanh Thủy

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật