Chỉ sau 13 ngày kể từ thời điểm phát hiện ca Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng tại Đà Nẵng, Việt Nam ghi nhận thêm 224 bệnh nhân mới.
Theo TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, hiện ngành y tế đang kiểm soát được tình hình dịch, đây cũng là "giai đoạn vàng" quyết định khả năng dập dịch Covid-19 ở Đà Nẵng. Bởi khi dịch đã lây lan trong cộng đồng nếu không nhanh chóng kiểm soát sẽ bùng phát mạnh với số người nhiễm tăng.
TS Hùng cho rằng dịch Covid-19 ở Đà Nẵng có thể trải qua 4 - 5 chu kỳ, đây là thời gian phù hợp nhất để kiểm soát ca nhiễm, không để virus lây lan trong cộng đồng. Theo rà soát thì các ca nhiễm hầu hết đều liên quan đến bệnh viện, đã cách ly các nguy cơ tại ổ dịch. Trong thời gian tới có thể kiểm soát được nguồn lây này.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh kiêm Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, cố vấn chuyên môn phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM, cho biết mỗi loại bệnh truyền nhiễm có “thời gian vàng” dập dịch khác nhau. Với Covid-19, thời gian này có thể dao động trong khoảng một tháng kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên.
Bác sĩ Khanh cũng nhấn mạnh về thời gian chống dịch phụ thuộc vào mức độ ra quân truy vết, khoanh vùng, giám sát và xét nghiệm. Nếu mọi thứ được đồng bộ cộng với sự thực hiện tốt cho người dân thì trong vòng 14 ngày kể từ thời điểm phát hiện ca bệnh đầu tiên, tình hình có thể được kiểm soát. Sau khoảng 28 ngày, cộng đồng không ghi nhận thêm ca nhiễm thứ phát, lúc này, chúng ta mới có thể yên tâm.
Bác sĩ Khanh cho biết, để dập dịch hiệu quả, quan trọng nhất là nhanh chóng khoanh vùng các khu vực, các địa điểm mà người bệnh đến và cách ly các ca nghi ngờ. Như vậy có thể "giữ chân" những người đã nhiễm và đang ủ bệnh. Lúc này, ngành y tế cần theo dõi sát sao và xét nghiệm, điều trị.
Bác sĩ Khanh nêu vấn đề thứ hai là tăng cường xét nghiệm khẳng định để điều trị sớm, nhất là với những ca bệnh là người cao tuổi, có bệnh nền. Nếu kiểm soát được các ca dương tính, khoanh vùng các ca tiếp xúc gần, cách ly thì có thể kiểm soát được tình hình. Khi dịch lan trong cộng đồng, đặc biệt ở bệnh viện, các cơ sở y tế cần nhanh chóng kiểm soát tất cả người ra vào, tránh lây nhiễm chéo.
“Bệnh viện là môi trường dễ trở thành ổ dịch nếu không đảm bảo kiểm soát nhiễm khuẩn tốt”, bác sĩ Khanh nhận định.
Chính vì vậy cần bố trí lực lượng ở cổng ra vào đo thân nhiệt và yêu cầu khai báo y tế, những trường hợp nghi ngờ cần đi lối riêng và chuyển đến cơ sở tiếp nhận bằng phương tiện chuyên dụng.
Bác sĩ Khanh cho rằng, số liệu ca nhiễm tăng cao chưa chắc là điều tồi tệ. “Số ca mới tăng nhanh cho thấy ngành y tế đã và đang nắm được đường đi của virus, khoanh vùng và phát hiện sớm ca bệnh”, bác sĩ Khanh nêu quan điểm.
Hiện các ca nhiễm hầu như đều liên quan đến các bệnh viện ở Đà Nẵng vì vậy theo bác sĩ Khanh khi các bệnh viện tại Đà Nẵng đã phong tỏa, khu vực nghi ngờ bị khoanh vùng, chúng ta chỉ cần đẩy mạnh xét nghiệm sẽ tìm ra thêm người nhiễm virus.
“Càng khoanh vùng triệt để và đẩy mạnh xét nghiệm, số bệnh nhân tìm thấy sẽ tăng cao hơn. Các địa phương khác cũng cần tăng cường rà soát người về từ Đà Nẵng và lấy mẫu xét nghiệm. Theo tôi, trong khoảng 10-15 ngày nữa, số ca bệnh có thể tăng nhiều hơn, sau đó giảm dần”, bác sĩ Khanh nhận định.
Hơn nữa, số bệnh nhân ở Đà Nẵng không bất thường bởi xuất phát từ các cơ sở y tế, việc lây nhiễm chéo là điều tất yếu. Chưa kể là có đến 800.000 người từ Đà Nẵng tỏa ra các tỉnh, thành trong cả nước. Đây có thể được gọi là nguồn lây F1, khi đó các F2, F3 cũng nhanh chóng xuất hiện.
“Chỉ khi xét nghiệm toàn bộ F1 và cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2, những trường hợp tiếp xúc gần còn lại mới có thể yên tâm. Số ca nhiễm tăng sẽ khiến chúng ta không khỏi bất ngờ nhưng hãy bình tĩnh”, bác sĩ Khanh nói.
TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM cho rằng ở giai đoạn trước, khoanh vùng và kiểm soát dịch chủ yếu là từ việc truy vết đường đi của F0. Tuy nhiên trong giai đoạn này F0 mất dấu vì vậy việc triển khai xét nghiệm sàng lọc diện rộng, đồng loạt để mở rộng phạm vi khoanh vùng, dập dịch là phương pháp quan trọng nhất.
Các ca bệnh khởi phát có F0 ngoại lai (ca bệnh nhập cảnh) và F0 nội tại (ca bệnh trong cộng đồng). Khi các ca nhập cảnh đã được cách ly thì điều đáng lo ngại chính là các F0 nội tai.
“Các địa phương, đơn vị tăng cường xét nghiệm. Mỗi người dân tự cách ly, bảo vệ bản thân và người xung quanh. Lúc này, F0 nội tại cũng khó có thể lây nhiễm cho người khác”, bác sĩ Hùng khuyến cáo.