Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát khi 19 ngày không có ca nhiễm mới, TP.HCM đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho ngừng cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, chỉ thực hiện Chỉ thị 15 từ 0 giờ ngày 23/4.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp. Ảnh: VGP |
Chiều 22/4, họp trực tuyến với 63 tỉnh thành về công tác phòng chống COVID-19, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố chỉ còn 2 ca nhiễm COVID-19 đang điều trị. Dù đạt được kết quả tốt trong công tác phòng chống dịch, song thành phố cũng đối mặt nhiều thách thức nghiêm trọng về phát triển kinh tế, theo VnExpress.
Theo ông Phong, chỉ số tăng trưởng trong quý một năm nay chưa phản ánh hết khó khăn về bức tranh kinh tế của thành phố. Tác động mạnh nhất của dịch bệnh đối với kinh tế thành phố sẽ bắt đầu từ quý hai. Bởi từ tháng 4, các đơn hàng xuất khẩu bị trì hoãn, tức là nhu cầu của các thị trường lớn đã giảm dần.
Để đảm bảo cho nền kinh tế phát triển ổn định trong điều kiện bình thường mới, TP.HCM đã chủ động xây dựng các cơ chế, chính sách vực dậy nền kinh tế khi tình hình kiểm soát dịch bệnh của thành phố có dấu hiệu tốt hơn nhằm nới lỏng từng bước nhưng phải thận trọng, không chủ quan, coi thường dịch bệnh.
Cụ thể, đối với công tác dự phòng, phải kiên định trong việc chống dịch với 5 phương châm tại chỗ; cảnh giác cao, không chủ quan lơ là; tiếp tục giám sát các điểm có nguy cơ cao.
Ngoài ra, TP.HCM cũng tăng cường đầu tư cho ngành y tế, nhất là ngành y tế dự phòng và phòng chống dịch bệnh từ nhân sự đến trang thiết bị chuyên môn và chế độ, chính sách. Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng đây là mặt trận quan trọng, có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế hiện nay.
TP.HCM đã trải qua 21 ngày cách ly xã hội. Ảnh: VNE |
Nhằm giảm tác động của dịch bệnh, ngoài bộ chỉ số đánh giá rủi ro lây lan tại doanh nghiệp đã triển khai từ ngày 6/4, thành phố tiếp tục triển khai 7 bộ chỉ số để kiểm soát dịch bệnh, gắn với phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới. Cụ thể là: bộ chỉ số an toàn trong trường học, ngành văn hoá - thể thao, giao thông vận tải, công thương, du lịch, an toàn thực phẩm và bộ chỉ số an toàn trong lĩnh vực công cộng. Các bộ chỉ số này sẽ được ban hành trước ngày 30/4, trong đó quy định trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và chủ doanh nghiệp.
"Thành phố sẽ thận trọng, tham vấn nhiều chiều, nới lỏng từng bước, đặc biệt sẽ thí điểm sau đó mới nhân rộng nhằm bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển nhưng cũng bảo đảm mục tiêu phòng chống dịch", ông Phong nói.
Ngoài chính sách chung của chính phủ, thành phố đang xây dựng một số cơ chế đặc thù để tiếp thêm động lực cho nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn như: gói hỗ trợ người dân cùng chung tay chống dịch; hỗ trợ người lao động mất việc ở các cơ sở sản xuất; gói đảm bảo an sinh xã hội đảm bảo các dịch vụ, hàng hoá thiết yếu; gói kinh tế giảm khó khăn tăng cường sức chịu đựng cho doanh nghiệp, chuẩn bị điều kiện phục hồi nhanh sau dịch bệnh; gói thúc đẩy ngành kinh tế số trong điều kiện dịch bệnh.
Về phòng chống dịch bệnh, ông Phong cho biết, thành phố sẽ tiếp tục giám sát các điểm có nguy cơ cao; nhất là các khu lưu trú công nhân, nhà trọ, nhóm người nước ngoài đang lưu trú tại thành phố; các cơ sở chăm sóc, bảo trợ xã hội; kiểm soát, phân luồng tại các cơ sở khám chữa bệnh để phát hiện các ca bệnh mới; khoanh vùng truy vết các ca nhiễm mới; sắp xếp lại các khu cách ly tập trung để chuẩn bị cho giai đoạn mới.
Tại cuộc họp sáng nay, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19 đề xuất chỉ còn Hà Nội thuộc nhóm nguy cơ cao lây nhiễm bệnh, tiếp tục thực hiện cách ly xã hội thêm một tuần. TP.HCM, Bắc Ninh và Hà Giang thuộc nhóm nguy cơ (hạ một bậc) và thực hiện theo Chỉ thị 15; các tỉnh thành còn lại nằm trong nhóm nguy cơ thấp.
Quyết định có hay không cho TP.HCM ngừng cách ly xã hội sẽ được Thủ tướng kết luận vào cuối cuộc họp chiều nay.