• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tỷ lệ nữ chiến sỹ Việt Nam tham gia giữ gìn hoà bình quốc tế cao hơn nhiều mục tiêu LHQ

Tỷ lệ nữ chiến sỹ Việt Nam tham gia các phái bộ LHQ tại CH Trung Phi và Nam Sudan đạt mức 20,6%,...

Ngày 25/10/2021, tại buổi thảo luận chung của Ủy ban Chính trị đặc biệt và Phi thực dân hóa (Ủy ban 4) của Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 76, Đại sứ Phạm Hải Anh, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, đã phát biểu về các vấn đề gìn giữ hòa bình, phi thực dân hóa, hoạt động của hoạt động của Cơ quan Cứu trợ và hành động Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine ở khu vực Cận Đông (UNRWA), bom mìn, và hợp tác quốc tế về sử dụng hòa bình khoảng không vũ trụ.

Đại sứ Phạm Hải Anh nhấn mạnh hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tiếp tục là một trong những công cụ quan trọng của Liên hợp quốc trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế và kêu gọi Liên hợp quốc cùng các nước tăng cường quan tâm đối với việc bảo đảm an ninh, an toàn cho lực lượng gìn giữ hòa bình, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong triển khai hoạt động, xác định rõ ràng sứ mệnh và bảo đảm nguồn lực dành cho các phái bộ.

  Đại sứ Phạm Hải Anh, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ. (Ảnh: TTXVN)

Đại sứ Phạm Hải Anh, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ. (Ảnh: TTXVN)

Đại sứ đã cập nhật về những hoạt động, đóng góp mới nhất của Việt Nam tại các phái bộ Liên hợp quốc ở Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan, trong đó có tỷ lệ nữ chiến sỹ đạt mức 20,6%, cao hơn mức 16,5% của năm ngoái và cao hơn nhiều so với mục tiêu của Liên hợp quốc đến năm 2028.

Từ đó, Đại sứ khẳng định Việt Nam sẽ tham gia tích cực và sâu rộng trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, cả về địa bàn hoạt động và hình thức đơn vị tham gia.

Đại diện Việt Nam cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tiến trình phi thực dân hóa và tôn trọng quyền tự quyết của dân tộc các nước thuộc địa, phù hợp với Tuyên bố năm 1960 của Liên hợp quốc về Trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa, Hiến chương Liên hợp quốc và các nghị quyết có liên quan, trong đó cần bảo đảm hoạt động của các nước quản thác không ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của người dân các lãnh thổ không tự quản.

Đại sứ bày tỏ quan ngại về tình hình người tị nạn Palestine tại Gaza và các lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, khẳng định Việt Nam ủng hộ quyền tự quyết và cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Palestine vì quyền này, ủng hộ giải pháp hai Nhà nước với việc thành lập Nhà nước Palestine lấy Jerusalem là thủ đô, chung sống hoà bình với Israel, với đường biên giới được quốc tế công nhận trên cơ sở ranh giới trước năm 1967 và thỏa thuận đạt được, phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc.

Đại sứ cũng kêu gọi các bên tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động nhân đạo và kêu gọi hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên hợp quốc tăng cường đóng góp cho hoạt động của UNRWA.

Liên quan đến vấn đề bom mìn, Đại sứ Phạm Hải Anh nhấn mạnh bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh tiếp tục là nguy cơ đối với dân thường tại hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam đồng thời cảm ơn sự đóng góp và hỗ trợ của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, các quốc gia, các tổ chức phi chính phủ trong nỗ lực giảm thiểu rủi ro và giải quyết hậu quả của bom mìn.

Đại sứ chia sẻ bài học kinh nghiệm của Việt Nam về giải pháp ở cấp độ quốc gia và kêu gọi các nước hợp tác, giải quyết các thách thức trong quá trình triển khai các hoạt động bom mìn theo các khuyến nghị liên quan của Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an, cũng như Tuyên bố Chủ tịch Hội đồng Bảo an do Việt Nam đề xuất thông qua vào tháng 4/2021 liên quan đến giải quyết hậu quả bom mìn.

Đại diện Việt Nam cũng khẳng định lập trường của Việt Nam ủng hộ các nỗ lực quốc tế nhằm thúc đẩy việc sử dụng hòa bình khoảng không vũ trụ, kêu gọi các quốc gia kiềm chế không để xảy ra chạy đua vũ trang trong vũ trụ, đồng thời chia sẻ mong muốn của Việt Nam trao đổi, tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế về khoa học công nghệ vũ trụ, bảo đảm an ninh, an toàn không gian vũ trụ nhằm phục vụ phát triển bền vững cho tất cả mọi người.

Ủy ban Chính trị đặc biệt và Phi thực dân hóa (Ủy ban 4) là một trong 6 Ủy ban chính của Đại hội đồng Liên hợp quốc, có nhiệm vụ xem xét một số vấn đề chính trị đặc biệt và gìn giữ hòa bình.

Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76, Ủy ban có phần thảo luận chung từ 19/10-08/11/2021 để bàn về các đề mục trong chương trình thảo luận thường niên, tập trung vào nhiều lĩnh vực gìn giữ hòa bình, phái bộ chính trị đặc biệt, phi thực dân hóa, hợp tác quốc tế về sử dụng khoảng không vũ trụ hòa bình, ảnh hưởng của phóng xạ hạt nhân, hoạt động của Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine ở Cận Đông, Báo cáo của Ủy ban đặc biệt điều tra về các hành vi của Israel gây ảnh hưởng đến quyền của người Palestine và người Arab ở các vũng lãnh thổ bị chiếm đóng.

Dự kiến tham gia phát biểu tại phiên thảo luận có trên 130 nước thành viên Liên hợp quốc.

Hiện, vẫn còn 17 lãnh thổ không tự quản đặt dưới sự quản lý của các nước quản thác và trong phạm vi thảo luận của Ủy ban 4 gồm Tây Sahara, Anguilla, Bermuda, British Virgin Islands, Cayman Islands, Falkland Islands (Malvinas), Monstserrat, Saint Helena, Turks and Caicos Islands, United States Virgin Islands, Gibraltar, American Samoa, French Polynesia, Guam, New Caledonia, Pitcairn, Tokelau./.

Hải Vân (TTXVN/Vietnam+)

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật