Theo thống kê mới nhất của Sở Y tế Hà Nội, trong đợt dịch này, có khoảng 5% tổng số ca mắc COVID-19 ở Hà Nội là trẻ từ 0-5 tuổi. Có hai nhóm trẻ có nguy cơ bị nặng khi mắc COVID-19 là trẻ bị béo phì và bị viêm phổi mạn tính, hen suyễn. Với chủng Delta, việc lây lan nhanh hơn chủng cũ, và gây triệu chứng nặng hơn, kể cả ở trẻ em.
Tại TPHCM, bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, cho biết đang tìm cách cứu chữa bé ba tháng tuổi mắc COVID-19. Trước đó, bé bị sốt cao khó hạ, đưa đi bệnh viện thì phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Bác sĩ Trần Văn Minh, Khoa Nhiễm của bệnh viện, cho hay dù bệnh nhi đã được cho thở máy nhưng không đáp ứng với máy thở. Các bác sĩ đã dùng kháng sinh liều cao nhất, kèm theo các loại thuốc tốt để điều trị kháng đông và kháng viêm nhưng tình trạng trẻ vẫn chưa được cải thiện.
Theo nhận định của các bác sĩ, tình trạng béo phì không chỉ khiến em gặp nguy hiểm khi mắc COVID-19 mà còn khiến các bác sĩ gặp nhiều khó khăn khi điều chỉnh thuốc và dịch truyền cho phù hợp.
Tiến sĩ - bác sĩ Phan Hữu Phúc, Khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết tại Indonesia, con số trẻ em mắc và tử vong được Bộ Y tế nước này công bố lại đáng báo động. Tỷ lệ mắc ở trẻ từ 0-5 tuổi là 2,9%; 6 - 18 tuổi là 9,9%. Từ đầu năm tới nay cũng có tới 800 trẻ dưới 18 tuổi tử vong, chiếm tỷ lệ 1% số ca mắc. Tỷ lệ tử vong của trẻ em theo thống kê của WHO chiếm khoảng 0,3%. Số trẻ em tử vong do COVID-19 ở Indonesia cao gấp ba lần so với số trẻ em tử vong do COVID-19 trên toàn cầu.
Bác sĩ Pham Hữu Phúc cảnh báo: “Tuy hầu hết trẻ em nhiễm COVID-19 chỉ ở thể nhẹ, một số trẻ vẫn có thể bị diễn biến nặng, đặc biệt với những trẻ có các bệnh nền hoặc trẻ nhỏ, do sức đề kháng yếu, hệ thống miễn dịch ở trẻ cũng chưa phát triển đầy đủ”.
Khi trẻ có các dấu hiệu như: ho, sốt, khó thở, chảy nước mũi, mệt mỏi, chán ăn… phụ huynh cần đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế. Phụ huynh cần chú ý chăm sóc trẻ tại nhà, tăng cường các biện pháp phòng bệnh cho trẻ.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) nhận định, tỷ lệ trẻ em mắc COVID-19 chiếm từ 5 - 10% tổng số người mắc, thường là bị nhẹ, mau hết. Những triệu chứng thường kéo dài chỉ trong khoảng năm ngày. Có hai nhóm trẻ em có nguy cơ bị nặng khi mắc COVID-19, đó là trẻ bị béo phì và bị viêm phổi mạn tính, hen suyễn.
Những trường hợp còn lại, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, người lớn nên chăm sóc trẻ tại nhà, mua sẵn thuốc điều trị tiêu chảy; chuẩn bị sẵn các thuốc hạ sốt và cho trẻ uống với liều lượng dựa trên cân nặng của trẻ. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng như ở TPHCM, trẻ mắc COVID-19 nên được ngủ máy lạnh như bình thường để có giấc ngủ ngon.