Nhớ lại những ngày đầu tiên lập nghiệp vào những năm 1900, ông Trần Đình Long vốn không có kinh nghiệm về thép nhưng vẫn quyết định dấn thân vào lĩnh vực này.
“Tất cả những gì tôi có là đam mê và không sợ hãi”, người sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát , Trần Đình Long nói với Bloomberg.
Nhiều thập kỷ sau, công việc kinh doanh của ông đã thành công và đưa ông trở thành tỷ phú USD.
Cổ phiếu Hòa Phát đã tăng gấp đôi vào năm ngoái, khi lợi nhuận doanh nghiệp này nhảy vọt trở thành doanh nghiệp thép niêm yết lớn nhất cả nước. Điều này đã đẩy khối tài sản của ông Long và vợ lên 1,9 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.
Ông Trần Đình Long - Người sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh: Hoa Phat Group |
Ông Long hiện sở hữu 26% cổ phần của Hòa Phát. Ông cho biết cổ phiếu không bị định giá quá cao mặc dù tỷ lệ giá trên thu nhập gần cao nhất trong hơn một thập kỷ.
Từ đó, Hòa Phát trở thành biểu tượng cho sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam . Thậm chí, vào năm ngoái, công ty còn mở rộng hợp tác với nhiều quốc gia khác vì COVID-19.
“Một nước mới công nghiệp hóa phải xây dựng rất nhiều cơ sở hạ tầng. Và tất nhiên sẽ rất cần có sắt và thép. Nếu kinh tế tăng trưởng 7-8%, nhu cầu thép sẽ tăng 10-12%”, ông Trần Đình Long cho biết trong cuộc phỏng vấn tại Hà Nội.
Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,9% vào năm 2020 và tổng sản phẩm quốc nội dự kiến sẽ tăng 7,6% trong năm nay, theo dự báo trung bình của các nhà kinh tế được khảo sát bởi Bloomberg.
Ông chủ Hòa Phát lần đầu góp mặt trong câu lạc bộ tỷ phú thế giới vào năm 2018, tuy nhiên, Chủ tịch Hòa Phát nhanh chóng đánh mất danh hiệu này khi giá cổ phiếu HPG lao dốc đáng kể. Cuối tháng 5/2020, tài sản của “vua thép” một lần nữa chạm mốc 1 tỷ USD cùng đà phục hồi của cổ phiếu.
Được biết, trong 9/2020, Hòa Phát chứng kiến doanh thu và lợi nhuận vọt lên lần lượt 40% và 56% so với cùng kỳ năm trước, khi Việt Nam tăng cường chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Theo Tổng cục Thống kê, tổng đầu tư công của cả nước đạt 406,8 nghìn tỷ đồng (17,6 tỷ USD) trong 11 tháng đầu năm 2020. Đây là mức cao nhất trong một thập kỷ qua.
Nói về quá trình thành lập công ty, ông Long kể, ông thành lập Hòa Phát với những người bạn vào năm 1992 với tư cách là nhà phân phối thiết bị và phụ tùng xây dựng đã qua sử dụng. Năm 1996, ông quyết định chuyển hướng sang lĩnh vực thép. Năm 2017, công ty đã xây dựng khu liên hợp gang thép Dung Quất trị giá 2,6 tỷ USD ở miền Trung Việt Nam.
Hòa Phát đang đặt mục tiêu phát triển khu liên hợp gang thép Dung Quất thứ hai bắt đầu từ tháng 1/2022 và đi vào hoạt động khoảng 3 năm sau đó. Ý tưởng là để đáp ứng nhu cầu đang bùng nổ đối với thép cuộn cán nóng. Dự án này có thể giúp tăng doanh thu và lợi nhuận hàng năm lên tới 80% so với mức hiện tại, ông Long nói.
Phó Giám đốc Nghiên cứu Phạm Mai Trang tại Dragon Capital - quỹ đầu tư nắm giữ cổ phần khoảng 6% tại Hòa Phát, nhận xét: "Việt Nam xếp hạng khá thấp về tiêu dùng thép bình quân đầu người trong khi đất nước chỉ vừa mới bắt đầu quá trình phát triển cơ sở hạ tầng. Nhờ Khu liên hợp Dung Quất, Hòa Phát trở thành một tay chơi lớn".
Khi được hỏi về những thách thức đối với Hòa Phát trong năm 2020, bà Trang cho rằng công ty đã phải thích nghi để hoạt động ở quy mô lớn hơn khi đẩy mạnh năng lực sản xuất. Hiện nay, Hòa Phát phải lặp lại thành công trong quá khứ đối với thép cuộn cán nóng (HRC).
Cho dù bất cứ điều gì xảy ra, ông Long nói rằng, việc trở thành một trong số ít các tỷ phú của đất nước sau khi chuyển sang ngành thép sẽ không thay đổi gì nhiều cách sống thường ngày của ông.
Ông nói: "Tôi vẫn uống cà phê với bạn bè mỗi ngày một lần ở nơi chúng tôi đã gặp nhau suốt 20 năm. Tất cả mọi thứ vẫn vậy".