Chiều 18/5, theo thông tin trên báo Pháp Luật Việt Nam, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì buổi họp báo về dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Về vụ án Hồ Duy Hải , Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ngày 6/5 vừa qua, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã công bố quyết định Giám đốc thẩm vụ án, theo đó Hội đồng thẩm phán đã quyết định giữ nguyên bản án phúc thẩm xử phạt tử hình Hồ Duy Hải về hai tội “Giết người” và “Cướp tài sản”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang giao cơ quan chuyên môn nghiên cứu những ý kiến của đại biểu về vụ án Hồ Duy Hải . Ảnh: VTC news |
Theo ông Phúc, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã thành lập hội đồng giám sát và có báo cáo trước Quốc hội rất kỹ về vụ án này. Tuy nhiên, gia đình bị cáo Hồ Duy Hải trong thời gian qua liên tục khiếu nại, kêu oan và dư luận rất quan tâm tới vụ án.
Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, nhằm xem xét khách quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang giao cơ quan chuyên môn nghiên cứu, từ đó sẽ đề xuất hướng xử lý theo đúng các quy định của pháp luật đối với các kiến nghị của ĐBQH về vụ án.
Liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải, trước khi đi đến buổi họp báo về dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng bày tỏ quan điểm của mình.
Theo đó, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao có báo cáo riêng vụ việc Hồ Duy Hải tại Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội; tổ chức thực hiện giám sát tối cao của Quốc hội hoặc giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các vụ án do Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm gây bức xúc dư luận, trong đó có vụ án Hồ Duy Hải, gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn xã hội thời gian qua.
Cũng lên tiếng về vụ việc này, Tiến sĩ luật, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đã kiến nghị Quốc hội thực hiện quyền giám sát Tối cao hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát hoạt động của TAND Tối cao trong phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải.
Ngoài ra, theo đại biểu Lê Thanh Vân, kháng nghị của VKSND Tối cao không đề cập đến việc Hải bị oan mà chỉ kiến nghị yêu cầu xem xét lại đúng pháp luật các diễn biến của vụ án, sau đó mới đánh giá yếu tố chứng cứ vật chứng, đánh giá yếu tố cấu thành tội phạm.
Hơn nữa, cơ quan tố tụng phải tôn trọng nguyên tắc suy đoán vô tội đã được quy định tại điều 31 của Hiến pháp và điều 13 của Bộ luật Tố tụng hình sự, nghiêm cấm suy luận chủ quan, dễ dẫn đến hàm oan cho người vô tội.