• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vì sao Bộ y tế đề xuất chuyển từ 5K thành V2K?

Bộ đã đề xuất V2K và đã lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống...

Ngày 5/6, Việt Nam ghi nhận 685 ca mắc COVID-19 mới tại 36 tỉnh, thành phố trong nước, giảm 196 ca so với ngày trước đó. Theo số liệu của Bộ Y tế, số ca mắc mới, số ca nặng, số ca tử vong có xu hướng giảm mạnh tại hầu hết các tỉnh, thành phố. Trong đó, khoảng 1 tuần gần đây chỉ ghi nhận 0-1 ca tử vong trên toàn quốc và chỉ còn hơn 40 ca nặng đang điều trị.

Về việc tiêm chủng vaccien, số người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 2 đạt 68.794.984 liều. 

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, với tình hình như hiện nay, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 đúng lịch, đủ liều là rất quan trọng để đảm bảo phòng dịch. Đặc biệt Bộ Y tế đã đề xuất thực hiện V2K (vaccine - khẩu trang - khử khuẩn) và đã lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 để trình Chính phủ. Tuy nhiên, thông điệp 5K vẫn sẽ được sử dụng nếu xuất hiện biến chủng mới gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.

Bà Hương cho biết, từ khi bùng phát dịch COVID-19, thông điệp 5K đã được sử dụng rất hiệu quả, góp phần rất lớn trong công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Y tế đã tham mưu tạm dừng việc khai báo y tế, không bắt buộc hạn chế tập trung đông người và giữ khoảng cách. Như vậy, thực chất chỉ còn thực hiện khẩu trang-khử khuẩn. 

"Sáng 4/6, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế sẽ làm việc với Bộ Tư pháp, các đơn vị liên quan để xem xét vấn đề này", bà Liên Hương nói.

Vì sao Bộ y tế đề xuất chuyển từ 5K thành V2K?

Các chuyên gia cho rằng, việc thực hiện 5K phải linh hoạt, tùy theo hoàn cảnh nào mà thực hiện K nào. Cần thấy nguyên tắc nào là ưu tiên và nguyên tắc nào là hỗ trợ cho nhau và thực hiện tối đa có thể được tùy theo công việc, hoạt động.

BS Cao Đỗ Vân Anh - phó trưởng bộ môn nhiễm, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) - cho rằng ở thời điểm hiện nay và trong thời gian tới, người dân chỉ cần thực hiện 2K là khẩu trang - khử khuẩn. 

"Virus SARS-CoV-2 cũng như nhiều virus khác tồn tại ở hầu họng, việc đeo khẩu trang ở nơi đông người giúp phòng tránh lây nhiễm COVID-19 cũng như những bệnh khác", BS Vân Anh giải thích thêm.

Ông Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho rằng thời điểm hiện nay không bắt buộc áp dụng 5K như trước, tùy từng trường hợp nên khuyến khích áp dụng các "K" nếu cần thiết và phù hợp.

Trao đổi trên Tuổi Trẻ, PGS.TS Trần Văn Ngọc - chủ tịch Hội Hô hấp TP.HCM - cho rằng với tốc độ lưu hành và số ca nhiễm, tử vong vì COVID-19, đã đến lúc xem dịch bệnh COVID-19 là bệnh lưu hành, "bãi bỏ" biện pháp cách ly y tế người nhiễm, không bắt buộc tất cả đeo khẩu trang tại nơi công cộng đông người.

Đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết hiện Bộ Y tế vẫn theo dõi những khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và tình hình dịch bệnh tại các quốc gia khác. Hiện có quốc gia nào trên thế giới công bố COVID-19 là bệnh lưu hành. Thủ tướng Chính phủ vẫn yêu cầu không được chủ quan, lơ là và nâng cao cảnh giác với dịch COVID-19. Bộ Y tế đã và đang thực hiện nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch nhưng "vừa làm vừa thăm dò".

Cục Y tế dự phòng cho hay bản thân virus luôn có những biến thể, có thể nặng hơn và lây lan nhanh hơn, không thể lường trước được diễn biến của dịch bệnh. Với những biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 như hiện nay không quá gây khó khăn cho người dân.

"Về bản chất chúng ta đã chuyển nhiều biện pháp phòng, chống dịch nhóm A sang nhóm B. Tuy nhiên không thể chuyển dịch COVID-19 sang nhóm B vì COVID-19 vẫn đang nằm trong nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây nhiễm cao.

Nếu chúng ta chuyển COVID-19 sang nhóm B có thể vô tình tạo ra sự chủ quan của người dân. Trường hợp có biến chủng COVID-19 mới, hay dịch bệnh bùng phát trở lại rất khó để người dân tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch như trước. Chúng ta cần cẩn trọng, theo dõi các khuyến cáo của WHO cũng như tình hình diễn biến dịch tại các quốc gia khác", đại diện Cục Y tế dự phòng thông tin.

Ngày 1/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 447 về việc công bố dịch COVID-19 là dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A có nguy cơ đại dịch toàn cầu trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, hiện nay COVID-19 chưa được cập nhật vào danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc, cũng như độ tuổi trẻ em thuộc đối tượng của chương trình tiêm chủng mở rộng, chưa có quy định phạm vi và đối tượng phải sử dụng vaccine và sinh phẩm y tế bắt buộc theo tình hình dịch.

Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nên triển khai tiêm vaccine tự nguyện, hơn là bắt buộc. Việc sử dụng vaccine phòng chống dịch COVID-19 trên thế giới hầu như là tự nguyện, chỉ có một số quốc gia bắt buộc tiêm vaccine với một số đối tượng như công nhân, cảnh sát, quân đội… và chưa bắt buộc tiêm vaccine với trẻ em 5-12 tuổi.

Các vaccine phòng COVID-19 vẫn đang trong quá trình tổng hợp theo dõi về hiệu quả của sử dụng vaccine. Do vậy, căn cứ vào quy định hiện hành và các lý do nêu trên tại thời điểm hiện nay, việc tiêm vaccine cho trẻ 5-12 tuổi chưa có đủ cơ sở xác định là bắt buộc.

Bộ Y tế đề nghị Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan khẩn trương tiếp nhận và triển khai tiêm chủng đối với số lượng vaccine được phân bổ đợt 146 và 147 tại Quyết định số 743/QĐ-VSDTTƯ ngày 16/5/2022, đảm bảo sử dụng vaccine hiệu quả.

Tiếp tục rà soát đối tượng, tập trung đẩy mạnh việc tiêm mũi 3 cho người dân từ 18 tuổi trở lên hoàn thành trong Quý II/2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 114/TB-VPCP ngày 15/4/2022 và tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, địa phương nào không tiếp nhận đủ vaccine COVID-19 để tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên, cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và để xảy ra dịch sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ./.

Thanh Mai

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật