Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết, trong sáu tháng đầu năm 2020, Thụy Sĩ và Việt Nam đã can thiệp rất nhiều vào thị trường tiền tệ để ngăn chặn việc điều chỉnh cán cân thanh toán hiệu quả.
Đáp lại cáo buộc của Bộ Tài chính Mỹ , Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cho biết, họ không thao túng tiền tệ và cách tiếp cận chính sách tiền tệ của họ sẽ không thay đổi. Đồng thời, đại diện ngân hàng này cũng nói thêm rằng, họ "vẫn sẵn sàng can thiệp mạnh hơn vào thị trường ngoại hối".
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam khẳng định, việc điều hành tỷ giá những năm qua – trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung - nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.
Thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt các yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam. "Việc NHNN mua ngoại tệ can thiệp thời gian qua nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời củng cố Dự trữ ngoại hối Nhà nước vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia", thông cáo của NHNN nêu.
NHNN cho biết thêm, Việt Nam coi trọng mối quan hệ kinh tế-thương mại ổn định và bền vững với Hoa Kỳ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Hoa Kỳ quan tâm trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi, tiến đến quan hệ thương mại hài hòa, công bằng theo Kế hoạch hành động hợp tác giữa hai nước.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.
Động thái cuối cùng của chính quyền Trump
Theo báo cáo thao túng tiền tệ của cơ quan Mỹ, Việt Nam đã can thiệp ngoại hối nhằm đẩy Việt Nam đồng (VND) xuống để có lợi thế thương mại. Trong khi đó, hành động của Thụy Sĩ là nhằm đẩy đồng franc Thụy Sĩ xuống, để ngăn cản việc điều chỉnh cán cân thanh toán hiệu quả.
Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết, cả Việt Nam và Thụy Sĩ đã vượt quá ba tiêu chí đo lường của Bộ Tài chính với một "biên độ đáng kể".
Bộ Tài chính Mỹ chỉ định Việt Nam đang thao túng tiền tệ. Ảnh: Internet |
Quan chức này cho biết, những phát hiện trong báo cáo tài chính vốn đã được các nhà phân tích ngoại hối dự đoán rộng rãi nhưng chưa được thảo luận với chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Ứng cử viên Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, Janet Yellen, có thể thay đổi những phát hiện trong báo cáo tiền tệ đầu tiên của mình, dự kiến sẽ công bố vào tháng 4.
"Họ không liên quan đến việc này. Đây là quyết định của chính quyền Trump", quan chức này nói.
Động thái "gắn nhãn" thao túng tiền tệ đối với Thụy Sĩ và Việt Nam diễn ra khi đại dịch COVID-19 làm lệch dòng chảy thương mại và gia tăng thâm hụt của Hoa Kỳ với các đối tác thương mại. Đây là nguyên nhân gây khó chịu cho Trump, người đã từng hứa sẽ thu hẹp khoảng cách thương mại của Hoa Kỳ.
Nằm trong "tầm ngắm"
Một quốc gia bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ "gán nhãn" thao túng tiền tệ khi có thặng dư thương mại song phương vượt 20 tỷ USD nghiêng về Mỹ, can thiệp ngoại tệ vượt quá 2% tổng sản phẩm quốc nội và thặng dư tài khoản toàn cầu vượt quá 2% GDP .
Bộ Tài chính Mỹ cho biết, sự can thiệp ngoại hối của Thụy Sĩ tổng cộng chiếm 14% GDP, trong khi đó Việt Nam bị cho là đã can thiệp hơn 5% GDP.
Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ là 3 quốc gia vừa được Mỹ thêm vào danh sách theo dõi. Ảnh: Getty |
Quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết, Hoa Kỳ muốn hợp tác với cả hai quốc gia để đưa họ trở lại dưới ngưỡng thao túng. Tuy nhiên, quan chức này từ chối suy đoán về việc, liệu quá trình này có thể khiến Hoa Kỳ đánh thuế hàng hóa của hai quốc gia này hay không.
Trong số các biện pháp khắc phục được quy định trong luật của Hoa Kỳ, các quốc gia vi phạm sẽ bị hạn chế tiếp cận các hợp đồng mua sắm của chính phủ Hoa Kỳ và phát triển tài chính.
Theo một cuộc điều tra riêng của Hoa Kỳ, Việt Nam có thể bị áp thuế. Trong khi đó, Văn phòng đại diện thương mại đang tiến hành tìm hiểu nguyên nhân khiến VND bị định giá thấp. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ có thể ảnh hưởng đến cuộc điều tra này.
Bộ Tài chính Mỹ cũng cho biết, danh sách các quốc gia nằm trong "tầm ngắm" của Hoa Kỳ đã đạt con số 10. Ba quốc gia và vùng lãnh thổ vừa được bổ sung vào danh sách này là Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ. Những nước khác trong danh sách bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Singapore và Malaysia.
Báo cáo cũng cho biết, Ấn Độ và Singapore đã can thiệp vào thị trường ngoại hối theo cách "bền vững, bất đối xứng" nhưng không đáp ứng các yêu cầu khác để bị "gắn nhãn" thao túng tiền tệ.