• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam cần làm gì để chớp "cơ hội vàng" giữa làn sóng doanh nghiệp tháo chạy khỏi Trung Quốc?

Việt Nam cần hành động mau lẹ để bắt được dòng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc,...

Đại dịch COVID-19 đã phần nào làm đảo lộn trật tự, vị trí của nhiều quốc gia trên thế giới về đầu tư, sản xuất. Do đó, nếu Việt Nam có những hành động mau lẹ để đón bắt được dòng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc sẽ là “cơ hội vàng” để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó đưa Việt Nam bứt phá lên một vị thế khác trên trường quốc tế. Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, với phóng viên TBTCVN.

Trước xu hướng này, cơ hội của Việt Nam như thế nào?

Công nhân tại nhà máy của Foxconn ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Công nhân tại nhà máy của Foxconn ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng, Việt Nam đang có nhiều lợi thế để đón bắt dòng dịch chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc. Trước hết, với những thành công điển hình trong phòng chống, kiểm soát dịch COVID-19 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao; cùng với sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trước cú sốc, khủng hoảng là khá tốt… khiến Việt Nam đang nổi lên là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn sau đại dịch.

The Sunday Times dẫn nguồn thạo tin cho hay Công ty ByteDance (trụ sở ở Bắc Kinh, Trung Quốc) sở hữu ứng dụng TikTok đang đàm phán với giới chức Anh về khả năng dời trụ sở sang Anh. Ứng dụng TikTok có khoảng 800 triệu người dùng trên khắp thế giới nhưng bị giới chức Mỹ cáo buộc cung cấp thông tin người dùng cho chính phủ Trung Quốc và mới đây bị Ấn Độ cấm cửa.

Bên cạnh đó, một số nguồn tin cho hay Tập đoàn công nghệ Foxconn (Đài Loan) có kế hoạch chi 1 tỉ USD mở rộng nhà máy ở Ấn Độ để lắp ráp iPhone cho Hãng Apple (Mỹ). Theo Reuters, động thái này nằm trong kế hoạch của Apple về việc âm thầm chuyển dần khỏi Trung Quốc do xung đột thương mại Mỹ - Trung và đại dịch COVID-19, theo Thanh Niên.

Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản có kế hoạch chi ít nhất 70 tỉ yen (15.197 tỉ đồng) cho các công ty Nhật chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng và giảm lệ thuộc vào nước này. Theo Bloomberg, hàng chục công ty sẽ nhận được khoản trợ cấp để chuyển từ Trung Quốc về Nhật hay các nước khác, trong đó có 30 công ty sẽ được trợ cấp để chuyển cơ sở sản xuất đến các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Myanmar và Thái Lan.

Từ tháng 3, Apple bắt đầu chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc sang Việt Nam và tăng số lượng sản xuất tai nghe tại Việt Nam (với khoảng 4 triệu chiếc tai nghe được sản xuất trong quý II/2020). Ảnh minh họa.
Từ tháng 3, Apple bắt đầu chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc sang Việt Nam và tăng số lượng sản xuất tai nghe tại Việt Nam (với khoảng 4 triệu chiếc tai nghe được sản xuất trong quý II/2020). Ảnh minh họa.

Khảo sát có sự tham gia của 260 nhà lãnh đạo trong lĩnh vực chuỗi cung ứng toàn cầu liên quan nhiều lĩnh vực như công nghệ cao, sản xuất công nghiệp và thực phẩm. Nhiều công ty bắt đầu tìm nguồn cung ứng tại Việt Nam, Ấn Độ và Mexico. Theo trang DC Velocity, bên cạnh lý do COVID-19, làn sóng di dời còn xuất phát từ các yếu tố khác, trong đó có việc gia tăng chi phí.Xu hướng chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc được thể hiện trong khảo sát của Công ty nghiên cứu và dịch vụ Gartner (Mỹ) với 33% các công ty được hỏi cho biết đã di dời hoặc có kế hoạch di chuyển hoạt động sản xuất và nguồn cung ứng khỏi Trung Quốc trong vòng 3 năm tới.

Đặc biệt, truyền thông thế giới thông tin, Mỹ đã xác định Việt Nam là đối tác ưu tiên trong chuỗi cung ứng… Tất cả những điều trên cho thấy, Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội để đón bắt làn sóng dịch chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc, qua đó có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bất lợi của Việt Nam trong cuộc đua thu hút nhà đầu tư

Bên cạnh những lợi thế của Việt Nam như đã đề cập ở trên, Việt Nam cũng có những điểm hạn chế trong cạnh tranh so với một số nước trong khu vực, đặc biệt đối với 2 đối thủ cạnh tranh rất tiềm năng cũng đang nổi lên là “điểm sáng” trong thu hút dòng dịch chuyển này là Ấn Độ và Indonesia. 

Cụ thể, Ấn Độ là thị trường rộng lớn hơn Việt Nam rất nhiều với khoảng 1,3 tỷ dân, quy mô kinh tế của họ cũng lớn hơn, mặt bằng nguồn nhân lực của họ có trình độ cao hơn, nhất là kỹ sư công nghiệp của Ấn Độ thuộc tốp đầu thế giới…

Đặc biệt, để đón bắt làn sóng dịch chuyển này, Chính phủ Ấn Độ cũng đã có nhiều động thái rất mạnh mẽ như tiếp xúc hơn 1.000 công ty của Mỹ và đưa ra các ưu đãi đối với các DN đang cân nhắc chuyển khỏi Trung Quốc, cũng như Ấn Độ đã chuẩn bị sẵn mặt bằng đất sạch, hạ tầng… để chào mời nhà đầu tư (NĐT). 

Tổng thống Donald Trump bắt tay Thủ tướng Narendra Modi tại sân vận động Motera ở Ahmedabad, Ấn Độ hôm 24/2. Ảnh: PMO
Tổng thống Donald Trump bắt tay Thủ tướng Narendra Modi tại sân vận động Motera ở Ahmedabad, Ấn Độ hôm 24/2. Ảnh: PMO

Tương tự, với Indonesia, quy mô thị trường, quy mô nền kinh tế của Indonesia cũng lớn hơn gấp khoảng 3 lần Việt Nam; người lao động của họ cũng có nhiều điểm cạnh tranh, nhất là thông thạo tiếng Anh hơn...

Đưa ra những dẫn chứng trên để thấy, cơ hội của Việt Nam là hiện hữu, nhưng Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều đối thủ nặng ký trong cuộc đua đón làn sóng rút sản xuất khỏi Trung Quốc và vì vậy, muốn giành chiến thắng, Việt Nam cần hành động nhanh hơn nữa.

Việt Nam cần làm gì để không bị tuột mất “cơ hội vàng”

Việt Nam cần chuẩn bị sẵn mặt bằng đất sạch trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, để khi các NĐT muốn rời nhà máy sang thì có thể cấp đất dễ dàng, nhanh chóng cho họ xây dựng nhà máy. Đặc biệt, trong khu công nghiệp, khu kinh tế cần phải chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng kỹ thuật, điện, nước; nhất là phải có chắc chắn một dự án xử lý nước thải và xử lý chất thải rắn để NĐT có thể sử dụng ngay những dịch vụ đó.

Thứ hai, khi các NĐT dịch chuyển nhà máy sản xuất sang sẽ đòi hỏi một nguồn nhân lực rất lớn. Do đó, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực dồi dào, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cung ứng đủ cho nhu cầu của các NĐT.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics hơn nữa để giảm chi phí bốc xếp hàng hóa, lưu kho, vận chuyển… nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho NĐT. Ngoài ra, các thủ tục hành chính cần phải được thực hiện một cách thuận tiện, nhanh chóng và nâng cao tính minh bạch của môi trường kinh doanh… Những vấn đề này chúng ta cũng nói nhiều rồi, nhưng vẫn cần cải thiện hơn nữa…

Hạn chế lớn nhất khiến các NĐT dè dặt không chọn Việt Nam chính là tiền thuế đất phải đóng hàng năm. Ảnh minh họa.
Hạn chế lớn nhất khiến các NĐT dè dặt không chọn Việt Nam chính là tiền thuế đất phải đóng hàng năm. Ảnh minh họa.

Theo ông Phan Văn Chính – Trưởng phòng Đầu tư Tổng Công ty IDICO, cơ hội chia đều cho tất cả các nước Indonesia, Thái Lan, Malaysia, theo các nhà đầu tư khi đến tìm hiểu tại Việt Nam cho rằng:  VN chưa hẳn có lợi thế về gas, năng lượng so với Indonesia giá vẫn cao hơn.

Chi phí hạ tầng chưa cạnh tranh được, chi phí sản xuất có thể giảm 2% nhưng so với chi phí marketing và chi phí logistics thì VN không cạnh tranh được với các nước kia. Chưa ai tính được bài toán từ VN đi Châu Âu lợi hơn các nước kia hay không? Nói một cách công bằng hiện nay chúng ta chỉ có nhân công rẻ nhưng năng suất lao động kém thì đó cũng không phải là lợi thế.

Hơn thế nữa các chi phí không chính thức cao, khiến cho chỉ số minh bạch thấp và đương nhiên chỉ số cạnh tranh không cao. Chúng ta chỉ hơn các nước khác ổn định chính trị và tôn giáo nhưng xét về chi phí không cạnh tranh thì các nhà đầu tư chắc chắn sẽ phải tính toán. Mặt khác chính sách lại không ổn định. Nhà đầu tư muốn minh bạch rõ ràng ngay từ khâu đầu tư.

Hạn chế lớn nhất khiến các NĐT dè dặt không chọn Việt Nam chính là tiền thuế đất phải đóng hàng năm trong khi chi phí thuê hạ tầng họ đóng luôn 50 năm nhưng tiền thuê đất phải đóng hàng năm mà mỗi năm lại điều chỉnh (dù chi phí này rất nhỏ so với chi phí thuê hạ tầng nhưng họ không tính toán được chi phí đầu vào cho tương lai vì độ rủi ro cao nếu có sự biến động về giá.

Điều NĐT cần là minh bạch về chi phí nên chính vì những điều này đã khiến họ quay lưng tìm thị trường khác do vậy lợi thế cuộc chơi của Việt Nam bị giảm đi.

Như vậy có thể thấy, bên cạnh những lợi thế có sẵn, Việt Nam cần khắc phục rất nhiều vấn đề để đủ sức bước vào sân chơi toàn cầu này. 

AN LY (t/h)

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật