• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam chỉ còn 11 ca dương tính với COVID-19, Mỹ thêm 45.000 ca nhiễm mới

Tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 1/7, Việt Nam có 76 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng...

Tổng cộng có 215 ca mắc COVID-19 nhập cảnh đã được cách ly ngay, không có khả năng lây ra cộng đồng. Cả nước không ghi nhận ca nhiễm mới COVID-19 từ 18h ngày 30/6 đến 6h ngày 1/7.

Cả nước vẫn còn 12.580 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly, theo dõi sức khỏe, trong đó 96 người cách ly tập trung tại bệnh viện; 11.596 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 888 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: Đến thời điểm này, 335/355 trường hợp dương tính với COVID-19 ghi nhận ở Việt Nam đã được công bố khỏi bệnh, chiếm 94,4% tổng số ca bệnh. Không có trường hợp nào tử vong do COVID-19.

Hiện còn 20 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại các cơ sở y tế. Đa số bệnh nhân sức khỏe ổn định. Trong đó 4 người đã cho kết quả âm tính 1 lần và 5 người âm tính từ 2 lần trở lên với COVID-19. Đến thời điểm này, nước ta còn 11 trường hợp dương tính với COVID-19.

Nam phi công người Anh (bệnh nhân thứ 91) đã tiếp tục có những tiến triển về sức khoẻ, hiện sức cơ 2 chân phục hồi 5/5. Bênh nhân tự xoay trở trên giường, tự ngồi dậy được, chịu lực hai tay trên khung tập tự đứng dậy và vịn khung tập bước được nhiều bước hơn. Bệnh nhân đã tự thở khí phòng, các chỉ số khác bình thường và giao tiếp tốt bằng lời nói...

Trên thế giới, tính đến 7h ngày 1/7 (giờ Việt Nam), trang worldometers ghi nhận toàn cầu có hơn 10,5 triệu ca nhiễm, tăng gần 170.000 ca trong 24 giờ qua và hơn 513.000 người chết. Mỹ hiện ghi nhận gần 2,73 triệu người nhiễm và hơn 130.000 ca tử vong. Quốc gia này tăng thêm gần 45.000 ca nhiễm trong 24 giờ qua.

Xếp thứ hai, sau Mỹ là Brazil với hơn 1,4 triệu ca nhiễm và gần 60.000 ca tử vong. Thứ ba là Nga với gần 648.000 ca nhiễm và gần 6.700 người chết. Tiếp theo là Ấn Độ với gần 600.000 ca nhiễm và hơn 17.000 ca tử vong. Thứ năm là Anh với 312.000 ca nhiễm và gần 44.000 ca tử vong.

Ngày 30/6, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cảnh báo, trong trường hợp tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp như hiện nay, số ca tử vong tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe có thể lên đến 438.000 người vào tháng 10 tới.

Phát biểu với báo giới, Giám đốc PAHO Carissa Etienne cho biết đỉnh dịch COVID-19 sẽ diễn ra tại các thời diểm khác nhau ở mỗi quốc gia và dự báo Chile và Colombia sẽ đạt đỉnh dịch trong vòng 15 ngày tới; trong khi đó, thời điểm này đối với Argentina, Bolivia, Brasil, Peru, Mexico và các quốc gia Trung Mỹ sẽ rơi vào tháng 8/2020.

Để tránh điều tồi tệ trên có thể xảy ra, Carissa Etienne khuyến cáo chính phủ các quốc gia trong khu vực đưa ra các biện pháp thích hợp, hiệu quả và thực hiện các biện pháp y tế phòng dịch nghiêm ngặt.

Bên cạnh đó, các chính phủ phải ứng phó với đại dịch dựa trên dữ liệu giám sát dịch tễ học ngày càng chi tiết và cần "linh hoạt" để giảm thiểu tác động của đại dịch, đặc biệt đối với các cộng đồng phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế phi chính thức.

Theo PAHO, một số quốc gia và vùng lãnh thổ ở Cairbe đã thành công kiểm soát tình hình dịch nhưng cần thận trọng trong vòng vài tháng tới. Giám đốc Carissa Etienne cũng cảnh báo về những thách thức khác đối với khu vực, chẳng hạn như sự xuất hiện của cúm theo mùa ở Nam Mỹ, có thể gây sức ép mạnh lên hệ thống y tế gần như quá tải của khu vực.

Hiện Mỹ Latinh và Caribe đã ghi nhận trên 2 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có trên 100.000 ca tử vong.

CHẤN HƯNG (t/h)

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật