Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa công bố chỉ đạo về việc cân nhắc mở cửa một số đường bay quốc tế khi dịch đươc kiểm soát với một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Lào....
Việt Nam đang trao đổi với Trung Quốc, Nhật Bản về việc từng bước nối lại đi lại, căn cứ vào tình hình và nhu cầu hai bên. Riêng ngành đường sắt, dự kiến lập đoàn tàu riêng cho 1.000 chuyên gia, lao động từ Trung Quốc sang Khu công nghiệp Dung Quất, Quảng Ngãi. Hoạt động này của Việt Nam được nối lại sau hơn 2 tháng ngưng để chặn Covid-19.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, giới nghiên cứu cho rằng Việt Nam nên duy trì cách ly, giãn cách xã hội, yêu cầu mang khẩu trang nhằm hạn chế tối đa rủi ro khi nối lại hợp tác với một số nước.
"Việt Nam cân nhắc nối đi lại, trong đó có đường bay quốc tế với các nước cơ bản khống chế được Covid-19, là quyết định hợp lý", Tiến sĩ Timothy Brewer, chuyên gia dịch tễ, Đại học California, Los Angeles (UCLA), Mỹ nói.
Ông Brewer cho rằng các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan ghi nhận ca tử vong Covid-19 thấp, còn Australia và New Zealand cũng có hệ thống kiểm soát dịch tốt. Việt Nam cần duy trì quy định cách ly 14 ngày với những người nhập cảnh, tuy nhiên nếu nhận thấy quá chặt chẽ thì có thể tiến hành sàng lọc triệu chứng nhiễm Covid-19.
Nếu xuất hiện các ca nhiễm trong cộng đồng sau khi nối lại đi lại, Việt Nam có thể yêu cầu cách ly với những người đến từ địa điểm cụ thể, như từ Trung Quốc. Hà Nội cũng có thể truy dấu người nhập cảnh để ngăn nguy cơ lây lan virus, không nhất thiết phải đóng đường bộ và đường bay. Theo ông Brewer không có biện pháp nào là chuẩn mực, cần phải có sự thay đổi linh hoạt.
Giáo sư Dean Winslow chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm, Đại học Stanford, Mỹ đánh giá Hà Nội có điều kiện tốt hơn các nước khác vì kiểm dịch tốt. Việt Nam nên lựa chọn kỹ các đối tác để mở lại đường bay, phân cấp rủi ro theo từng quốc gia. Các hãng hàng không cần đảm bảo quy định giãn cách trên máy bay, yêu cầu hành khách mang khẩu trang.
Giáo sư Hajo Zeeb, Viện nghiên cứu phòng dịch và dịch tễ học Leibniz (BIPS), Đức, gợi ý Việt Nam xem xét người nhập cảnh cần có giấy chứng nhận sức khỏe từ nơi họ xuất phát. Những người di chuyển từ nước khác đến Việt Nam nên được xét nghiệm ở hai đầu, được cập nhật thông tin về diễn biến dịch và có ý thức dừng lịch trình nếu cảm thấy không hoàn toàn khỏe mạnh. Các nhân viên phục vụ trên tàu, máy bay cần tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch và vệ sinh chung trên khoang.
Giáo sư Zeeb cũng lưu ý đến diễn biến dịch ở Trung Quốc, khi xuất hiện ổ dịch mới ở Bắc Kinh và lan sang một số tỉnh lân cận. Theo chuyên gia người Đức, Việt Nam và Trung Quốc có quan hệ chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực, nhưng Hà Nội cần xem xét tình hình ở Bắc Kinh.
Giáo sư Winslow cho rằng, đại dịch Covid-19 chưa từng có tiền lệ trên thế giới, nếu lơ là sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng chỉ trong vòng 5 đến 7 ngày. Vì thế Việt Nam nên theo dõi sát các ca nhiễm mới và tích cực xét nghiệm. Ông cũng nhắc về kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu Scripps, Mỹ, đó là có đến hơn 40% người nhiễm nCoV không có triệu chứng.
"Việt Nam vẫn nên duy trì đeo khẩu trang và giãn cách xã hội để ngăn nguy cơ người không có triệu chứng lây lan virus. Nhiều nước còn áp dụng các biện pháp này trong vài tháng tới", Winslow nói.
Tiến sĩ Brewer, cho rằng nếu Việt Nam không thực hiện cách ly người nhập cảnh mà chỉ kiểm tra thân nhiệt thì việc kiểm soát Covid-19 sẽ không hiệu quả, vì có một vài xét nghiệm chưa chắc đã mang kết quả chính xác.
Ông Brewer cũng nhấn mạnh, khi dịch bệnh vẫn đang gia tăng thì mỗi quốc gia phải có quy định phù hợp. Như Mỹ và nhiều nước, kinh tế Việt Nam gặp khó khăn khi đường bay quốc tế bị dừng vì Covid-19. Nếu Việt Nam có thể xác định, cách ly, truy vết những người liên quan, hợp tác với quốc gia kiểm soát tốt thì rủi ro ở mức thấp. Hà Nội cần cân đối lợi ích và rủi ro khi đưa ra các chính sách mới. "Nếu thấy lợi ích kinh tế lớn hơn rủi ro tiềm ẩn, thì Việt Nam nên nối lại đi lại", Brewer nói.