Các nước thuộc ASEAN góp mặt trong danh sách này là Malaysia (thứ 13), Singapore (thứ 14) và Indonesia (thứ 18). Uruguay đứng đầu danh sách, tiếp theo là Saudi Arabia, Luxembourg, Ấn Độ và Ba Lan.
Xếp hạng của "News and World Report" là kết quả của cuộc khảo sát lấy ý kiến từ 7.000 nhà hoạch định kinh doanh và dựa trên 8 tiêu chí: kinh tế ổn định, môi trường thuế thuận lợi, lực lượng lao động lành nghề, năng lực công nghệ, tinh thần doanh nghiệp, sự đổi mới, năng động và vấn đề tham nhũng.
Tuần san trên nhận định từ khi thực hiện công cuộc cải cách “Đổi Mới” năm 1986, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, phần lớn nhờ nguồn vốn đầu tư trực tiếp (FDI).
Ảnh minh họa. |
Năm 2018, tổng cộng có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, trong đó Nhật Bản dẫn đầu với 8,59 tỷ USD, tiếp theo là Hàn Quốc (7,2 tỷ USD) và Singapore (5 tỷ USD). Ngành sản xuất và chế biến thu hút được nhiều sự quan tâm nhất từ các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2018, 2 lĩnh vực này thu hút 16,58 tỷ USD vốn FDI , tiếp theo là lĩnh vực bất động sản (6,6 tỷ USD) và lĩnh vực bán lẻ (3,67 tỷ USD).
Tháng 9 vừa qua, Cục Đầu tư nước ngoài (FIA) của Việt Nam cho biết tổng số 14,22 tỷ USD vốn FDI đã được giải ngân trong năm nay (tăng 7,3% so với năm 2018) và 2.759 dự án mới với tổng cam kết là 10,97 tỷ USD đã được phê duyệt.
Ông Sam Cheong Chwee Kin (Xam Chông Chuê Kin), Giám đốc điều hành và Giám đốc Đơn vị tư vấn FDI của Tập đoàn United Overseas (UOB), ca ngợi Việt Nam là một điểm sáng trong thu hút FDI ở ASEAN. Ông đặc biệt chú ý đến những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc củng cố cơ sở hạ tầng tại các khu kinh tế và công nghiệp trọng điểm như Hải Phòng.
Cuối những năm 1990 và 2000, Việt Nam bắt đầu thành lập các đặc khu kinh tế (SEZ) để thu hút sản xuất thâm dụng lao động, và 60-70% tổng số vốn FDI nằm trong các SEZ này. Tuần san News and World Report đánh giá Việt Nam có chi phí cạnh tranh, lương thấp và cơ sở hạ tầng đang phát triển.
Ông Koushan Das (Cu-san Đát) - chuyên gia giám sát các dự án ở Ấn Độ và ASEAN thuộc công ty tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates, đánh giá: “Việt Nam có một trong những nước có chính sách thuế cạnh tranh nhất ở Đông Nam Á.
Các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là những nhà đầu tư tham gia sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng cao có thể tận dụng các ưu đãi thuế này như một lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ của họ trong những năm tới".
Mặc dù chi phí lao động tương đối thấp, Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển lao động lành nghề sẽ được xem là yếu tố chính để thu hút FDI, song song với đó là việc khuyến khích đổi mới và sử dụng công nghệ mới.
Dù năng suất lao động của Việt Nam đã được cải thiện trong thập kỷ qua, song nhìn chung vẫn còn thấp so với các nước ASEAN khác. Đây được cho là thách thức lớn nhất trong việc duy trì vị thế là một trung tâm đầu tư của khu vực.