Tiếp các Đại sứ, Trưởng đại diện các tổ chức của Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam chiều 8/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ Việt Nam mong muốn sớm nhận được vaccine COVID-19 của Chương trình COVAX. Việt Nam đã trải qua một năm 2020 đầy khó khăn và đang chuẩn bị đón Tết cổ truyền nhưng đang nỗ lực kiểm soát đợt dịch COVID-19 lây lan ra cộng đồng từ cuối tháng 1.
Trong khó khăn, Việt Nam rất trân trọng sự giúp đỡ quý báu của các bạn bè quốc tế, và mong tiếp tục nhận được tình cảm, ủng hộ quý báu đó.
Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hiệp quốc (LHQ) tại Việt Nam, khẳng định LHQ luôn ưu tiên tăng cường hợp tác với Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề vaccine COVID-19 không chỉ vì lý do kinh tế, mà còn bảo đảm sức khoẻ người dân.
Ông nêu quan điểm vaccine phải được coi là hàng hóa công của toàn cầu, phải bảo đảm đến được người dân miễn phí.
Ông Kamal Malhotra đánh giá cao Việt Nam phản ứng nhanh chóng trước đại dịch COVID-19 và hy vọng đại đa số người dân Việt Nam sẽ được tiếp cận miễn phí vaccine.
"Chương trình COVAX đã sẵn sàng chuyển lô vaccine đầu tiên cho các nước. LHQ, WHO... tham gia COVAX sẽ nỗ lực triển khai cung cấp lô vaccine đầu tiên vào trước cuối tháng 2 này", ông Kamal Malhotra cho biết và mong muốn Việt Nam sẽ nỗ lực tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho 70-80% số dân trong năm nay. Đây là ưu tiên cao và cần sự cam kết cao của các chính phủ. Ông đặc biệt đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam đề xuất lấy ngày 27/12 là Ngày quốc tế Phòng chống dịch bệnh, đã được Đại hội đồng LHQ thông qua.
Điều phối viên LHQ tại Việt Nam cũng đề xuất Chính phủ thiết lập cơ chế liên ngành ở cấp cao nhất, để quản lý vấn đề sức khỏe con người, ngăn ngừa lây lan dịch bệnh từ động vật sang người.
Thủ tướng cảm ơn LHQ, WHO và cộng đồng quốc tế triển khai Chương trình COVAX dành viện trợ vaccine cho 20% dân số của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cam kết, nỗ lực phân phối công bằng, miễn phí, sử dụng hiệu quả vaccine cho người dân. Việt Nam mong muốn sớm nhận được vaccine của Chương trình COVAX.
Thủ tướng cũng đề nghị các nước, các tổ chức ưu tiên hỗ trợ bằng nhiều hình thức khác nhau, để Việt Nam thực hiện 3 đột phá chiến lược và thực hiện các mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
COVAX facility là một cơ chế được thiết lập, nhằm bảo đảm các quốc gia được tiếp cận công bằng với vaccine COVID-19.
Trong cơ chế này, WHO phối hợp với GAVI, UNICEF, CEPI, các nhà sản xuất vaccine và các đối tác, để bảo đảm các quốc gia đều được tiếp cận vaccine một cách công bằng và hiệu quả.
COVAX sẽ bảo đảm cho các quốc gia tham gia cơ chế này được tiếp cận vaccine, với mức độ bao phủ khoảng 20% dân số trong năm 2021.
Theo thông báo của COVAX, Việt Nam sẽ được nhận vaccine COVID-19 trong giai đoạn đầu tiên với số lượng dự kiến từ 4.886.400 liều đến 8.253.600 liều. Trong đó, 25 - 35% số lượng sẽ được cung cấp trong quý I/2021, khoảng 65 - 75% sẽ cung cấp trong quý II.
Vaccine được sử dụng trong đợt đầu là vaccine của Hãng Astra Zeneca.
Theo PGS, TS. Trần Thị Giáng Hương, Giám đốc các Chương trình Kiểm soát bệnh tật của Tổ chức Y tế thế giới, Điều phối viên WHO khu vực Tây Thái Bình Dương về vaccine COVID-19, hiện WHO và các đối tác đang làm việc và phối hợp chặt chẽ với các đối tác (UNICEF, GAVI, CEPI) cùng các nhà sản suất vaccine, nhằm bảo đảm cung ứng kịp thời cho các quốc gia tham gia cơ chế COVAX theo kế hoạch, bảo đảm hệ thống tiêm chủng sẵn sàng đáp ứng và vận hành triển khai tiêm chủng khi vaccine được chuyển giao đến các quốc gia.
WHO cũng phối hợp với các quốc gia trong việc bảo đảm nhóm ưu tiên được tiêm chủng trong giai đoạn đầu. Đó là cán bộ, nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch, nhóm dễ bị tổn thương như người cao tuổi có bệnh nền.
Văn phòng WHO tại Hà Nội đang phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ Bộ Y tế xây dựng Kế hoạch Quốc gia về Tiêm chủng vaccine COVID-19, để gửi cho COVAX facility đúng thời hạn vào 9/2 tới.