• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam ở đâu trên bản đồ công nghiệp thép thế giới?

Ngành thép trong những năm qua đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về công suất, sản lượng...

Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để cho ra lò những sản phẩm thép có chất lượng cao, được các thị trường lớn trên thế giới ưa chuộng. Theo các chuyên gia, thép Việt Nam đã có bước nhảy vọt trong ngành công nghiệp thép thế giới.

TTXVN dẫn thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, kể từ khi ngành thép Việt Nam vẫn còn non trẻ, năm 2000, tổng công suất phôi chỉ đạt khoảng 300.000 tấn, sản xuất thép thành phẩm chỉ đạt 2,4 triệu tấn; đến năm 2015, công suất phôi đạt hơn 12 triệu tấn, tăng hơn 40 lần so với năm 2000; thép thành phẩm các loại đạt hơn 26 triệu tấn, tăng hơn 10 lần so với năm 2000.

Bên cạnh sản lượng thì sự đa dạng trong chủng loại sản phẩm cũng giúp ngành thép Việt Nam bổ sung đủ các dải sản phẩm mà hiện nay vẫn đang còn thiếu. Nhờ đó, ngành thép Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể trong khu vực và giữ vai trò ngày càng quan trọng trong ngành thép khu vực Đông Nam Á và cải thiện vị trí trong ngành công nghiệp thép thế giới.

thep-170421.jpg
Sản phẩm thép xây dựng tại Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương cung ứng ra thị trường. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Năm 2015, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 24 về sản xuất thép thô trong top 50 quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới theo thống kê của Hiệp hội Thép Thế giới (World Steel), tăng 2 bậc so với năm 2014 (ở vị trí thứ 26). Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang ở vị trí số 1, chiếm 29% tổng sản lượng thép thô của khu vực này. Sản xuất thép thành phẩm Việt Nam năm 2015 ở vị trí số 1 Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chiếm gần 34 % tổng sản lượng thép thành phẩm của khu vực.

Cũng theo chuyên gia ngành thép Nguyễn Văn Sưa, trong 10 năm trở lại đây, ngành thép Việt Nam phát triển rất mạnh, cho đến năm 2020, ngành thép Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 14 thế giới. Đây là bước tiến rất khá trên bản đồ ngành thép thế giới. Năm 2020, tính sản xuất thép thô của Việt Nam đã đạt mức rất cao 19,5 triệu tấn/năm.

may-duc-phoi-6-dong-lien-tuc-klh-hoa-phat-dung-quat.jpg
Mục tiêu sản lượng của Hòa Phát với các sản phẩm thép trong năm 2021 là 5 triệu tấn thép xây dựng thành phẩm và phôi thép. Ảnh: TTXVN

Về công nghệ, Việt Nam vẫn đi theo xu hướng chung thế giới, với công nghệ lò cao, đi từ quặng sắt, luyện gang để luyện ra thép. Công nghệ này thế giới vẫn đang chiếm 70%. Còn công nghệ lò điện chiếm chỉ khoảng 30%. Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục có triển vọng phát triển mạnh công nghệ mới này, ông Sưa dự báo.

Điểm nhấn thứ hai về phát triển thép trong nước phải kể đến quy mô các dự án của doanh nghiệp. Trước đây, khoảng năm 2004, công nghệ thép Việt Nam còn rất khiêm tốn, nhỏ lẻ, phân tán và lạc hậu. Đến nay, các doanh nghiệp đã có bước tiến rất dài cả về quy mô, sản lượng và công nghệ đều tương đương tầm cỡ thế giới hiện tại; trong đó đặc biệt là Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh( Formosa), Tập đoàn Hòa Phát (Hòa Phát).

Có mặt thăm quan tại Khu liên hợp sản xuất Gang Thép Hòa Phát Dung Quất, khung cảnh một khu liên hợp sản xuất quy mô khiến đoàn chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Mới 4 năm trước, nơi đây còn ngổn ngang những máy móc, mặt bằng chưa được san lấp... nhưng đến nay, trên diện tích hơn 400 ha, gần như toàn bộ dự án đã hoàn thành, sẵn sàng cung ứng ra thị trường khoảng 2,7 triệu tấn thép cuộn cán nóng, hàng triệu tấn phôi và thép xây dựng...

lo-cao-khu-lien-hop-gang-thep-hoa-phat-dung-quat-2.jpg
Lò cao Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2. Ảnh: TTXVN

Ông Đinh Văn Chung, Phó giám đốc Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất cho hay, hiện nay, các mặt hàng thép cuộn cán nóng của tập đoàn đều ở trong tình trạng “cháy hàng”, sản xuất không kịp cung ứng cho thị trường. Ngoài việc lấn sân thành công làm cảng nước sâu để đón tàu hàng, Hòa Phát sẽ tiếp tục đầu tư dự Hòa Phát Dung Quất 2 vào đầu năm 2022 với công suất 5 triệu tấn/năm, tập trung sản xuất thép cuộn cán nóng HRC với công nghệ hiện đại nhất thế giới hiện nay, tốt hơn cả dây chuyền hiện tại.

Có thể nhận thấy, mặc dù đa dạng và đáp ứng tốt thị trường trong nước, song theo đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam, chủng loại thép hiện vẫn là các loại thép thông thường dùng trong xây dựng, phục vụ đại trà với nhu cầu xã hội rất lớn.

Còn với thép đặc chủng, chế tạo máy móc, hiện Việt Nam vẫn chưa phát triển. Bởi lẽ các sản phẩm thép đặc chủng đòi hỏi công nghệ phức tạp, đầu tư rất lớn, chủng loại nhiều nhưng dung lượng thị trường lại nhỏ, dẫn tới hiệu quả sản xuất kém.

Hơn nữa, hiện thép đặc chủng cao cấp là những sản phẩm của các hãng thép thế giới đã có tiếng hàng trăm năm nay, nên việc tham gia của các doanh nghiệp trong nước cũng được nhận định sẽ gặp khó. Dù vậy, đây vẫn sẽ là hướng đi trong tương lai. Khi dung lượng thị trường tốt, hiển nhiên, các doanh nghiệp sẽ tính toán để tham gia đầu tư. 

Chia sẻ của ông Đinh Văn Chung cho thấy, bắt đầu một số công ty kết cấu trong nước và chế tạo cũng đã đề nghị với Hòa Phát về thép chế tạo, nhưng đến nay tập đoàn vẫn đang lựa chọn cấu hình công nghệ sản xuất. “Các đơn vị đang đặt vấn đề và Hòa Phát phải khảo sát thị trường, dung lượng đủ lớn mới có thể tính toán đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất đó”, ông Chung nói.

Hiện tại, Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất được một số mặt hàng trước đây các doanh nghiệp sản xuất thép hạ nguồn phải nhập khẩu như: thép dự ứng lực, bao gồm thép thanh, sợi, cáp thép dự ứng lực... đủ cung ứng trong nước. Trước đây, các sản phẩm này hoàn toàn nhập khẩu.

Theo ông Nguyễn Văn Sưa, hiện nay, Việt Nam cũng có thể tham gia được vào sản xuất các sản phẩm thép đặc chủng phục vụ cho sản xuất máy móc, công nghiệp, vì nhu cầu cũng đang lớn dần.

“Cách đây hơn 20 năm, nhu cầu thép hợp kim, thép đặc chủng của Việt Nam rất thấp, chỉ khoảng trên dưới 100.000 tấn/năm. Để xây dựng nhà máy, doanh nghiệp phải đầu tư lớn hàng trăm triệu USD nên sẽ không hiệu quả. Nhưng đến nay, nhu cầu sản phẩm này tăng lên nhiều. Chúng tôi cũng đã nhiều lần khuyến nghị các cuộc điều tra về nhu cầu thép hợp kim, thép đặc chủng, để có số liệu, làm cơ sở cho các doanh nghiệp tính toán đầu tư. Nhưng đến giờ vẫn chưa có cuộc điều tra nào thực sự quy mô”, ông Sưa chia sẻ.

Theo ước tính, các sản phẩm thép không gỉ mỗi năm tiêu thụ hàng triệu tấn/năm (hiện mới chủ yếu nhập khẩu). Ông Sưa cho rằng, nhu cầu thép không gỉ, thép cho sản xuất chế tạo máy móc sẽ tăng dần trong tương lai. Do vậy, cần có các khảo sát, nghiên cứu về thị trường để các doanh nghiệp trong nước hiện có đủ tiềm lực tiến tới đầu tư. Hoặc có thể kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài, tập trung vào các sản phẩm thép chất lượng cao, thép không gỉ...

Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nghiêm Xuân Ða cho hay, để nắm bắt tốt cơ hội, các doanh nghiệp ngành thép cần tiếp tục bám sát thị trường, thể hiện tốt năng lực cạnh tranh thông qua việc cơ cấu lại sản phẩm để có những điều chỉnh phù hợp, bảo đảm cho việc phát triển lâu dài. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần có hoạch định, chiến lược phát triển ngành thép theo chiều sâu, hướng các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ để đưa ra thị trường những sản phẩm thép đặc chủng chất lượng cao.

ĐỨC DŨNG

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật