• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vụ án AVG đạt hiệu quả thu hồi tài sản lớn nhất trong lịch sử tố tụng

Vụ án AVG đã thu hồi 8.774 tỷ đồng tiền thất thoát và hơn 138 tỷ đồng tiền thu lợi bất...

Mới đây, trong cuộc họp báo về kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân tổ chức, Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Viện KSND Tối cao), ông Nguyễn Quang Dũng, cho biết, vụ AVG được xem là vụ án đạt hiệu quả xử lý “tròn trịa nhất” và để lại dấu ấn lớn nhất. Vụ án truy tố, xét xử 2 cựu Bộ trưởng, tội danh nhận hối lộ cực lớn 3 triệu USD, việc thu hồi tài sản lớn nhất trong lịch sử tố tụng.

“Vai trò Viện kiểm sát trong vụ án này rất rõ, quá trình điều tra không dễ gì đưa ra kết luận khởi tố, bắt giam 2 cựu Bộ trưởng về hành vi nhận hối lộ. Bởi vì hành vi nhận hối lộ rất tinh vi, nếu không có biện pháp nghiệp vụ thì không thể đấu tranh. Tại phiên tòa cũng như quá trình điều tra các bị cáo đều nhận tội” – ông Nguyễn Quang Dũng nói.

Trong vụ án AVG đã thu hồi 8.774 tỷ đồng tiền thất thoát và hơn 138 tỷ đồng tiền thu lợi bất chính (thu hồi 100% tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt).

2 bị cáo Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn.
2 bị cáo Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn.

Ông Dũng đánh giá, việc thu hồi tài sản của những vụ án tham nhũng, kinh tế vốn đã khó nên giai đoạn trước đây thường là thu hồi ít. Tuy nhiên vài năm trở lại đây,  khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo quyết liệt, bên cạnh xử lý nghiêm minh tội phạm thì việc thu hồi tài sản cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. 

Ngay từ giai đoạn điều tra vụ án, cơ quan điều tra Viện kiểm sát đã rất chú trọng hoạt động kê biên tài sản liên quan đến vụ án để bảo đảm thi hành án. Viện kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử phải xử lý ngay các tài sản đã kê biên để thu hồi về cho Nhà nước.

Tuy nhiên, trong hiện tại và tương lai, quá trình điều tra, xác minh tài sản cũng gặp khó khăn vì đối tượng phạm tội khi thực hiện việc chiếm đoạt tài sản luôn có xu hướng che giấu, tẩu tán tài sản bằng các hình thức như che giấu, đứng tên người khác, rửa tiền, đầu tư,...

Việc điều tra, xác minh, theo dõi dòng tiền đó cũng không đơn giản, trong khi các quy định pháp luật, hay các thiết chế để kiểm soát, theo dõi dòng tiền hiện nay vẫn còn những hạn chế. Ở nước ta chủ yếu sử dụng tiền mặt nhiều nên khó khăn trong kiểm soát dòng tiền, đặc biệt trong các vụ tham nhũng...

Mặc dù vậy, Viện kiểm sát sẽ luôn phối hợp với các cơ quan tố tụng cố gắng phát huy, làm tốt hơn nữa công tác thu hồi tài sản tham nhũng cho Nhà nước.

Thanh Mai

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật