VKSND Tối cao kiến nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét lại quyết định giám đốc thẩm vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội), cho rằng kiến nghị của VKSND Tối cao về việc xét lại quyết định giám đốc thẩm là "thủ tục đặc biệt". Quyết định giám đốc thẩm vẫn có thể được xem xét lại theo thủ tục đặc biệt, khi cơ quan tiến hành tố tụng có căn cứ cho thấy có sai sót trong thủ tục giám đốc thẩm.
"Vụ án ly hôn đình đám này kéo dài nhiều năm và trải qua rất nhiều cấp xét xử", luật sư đánh giá theo nguyên tắc của pháp luật, đương sự có quyền kiến nghị xét lại các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm và thủ tục tái thẩm.
Theo luật sư, vụ ly hôn giữa vợ chồng "vua cà phê" Trung Nguyên được giải quyết đến trình tự giám đốc thẩm, với kết luận giữ nguyên bản án sơ thẩm và phúc thẩm. Tuy nhiên, căn cứ Điều 358 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Viện trưởng VKSND Tối cao có quyền kiến nghị, đề nghị Hội đồng thẩm phán xem xét lại quyết định giám đốc thẩm.
Về thời hạn xem xét, Điều 359 bộ luật trên nêu trong một tháng kể từ ngày nhận được kiến nghị, Hội đồng Thẩm phán mở phiên họp để xem xét. Sau đó, trong 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc họp, hội đồng gửi văn bản thông báo nhất trí hoặc không nhất trí với kiến nghị, đề nghị cho Viện trưởng VKSND và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng đánh giá kiến nghị của VKSND Tối cao là đúng thẩm quyền. Còn việc hủy các bản án hay quyết định giám đốc thẩm sẽ được xem xét tại phiên họp của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, với sự tham gia của Viện trưởng VKSND Tối cao. Nếu thấy cần thiết, tòa án có thể mời cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cùng dự họp.
Theo luật sư, sau khi VKSND Tối cao đề nghị, nếu Hội đồng Thẩm phán nhận định tòa án các cấp có những sai sót nhưng không làm thay đổi bản chất vụ việc, quyền lợi của đương sự vẫn được đảm bảo, không phát hiện ra vi phạm nghiêm trọng trong quá trình giám đốc thẩm, không có chứng cứ mới, thì hội đồng sẽ giữ nguyên quyết định giám đốc thẩm.
Bên cạnh đó, vụ việc có thể kết thúc khi Hội đồng Thẩm phán không chấp nhận hủy quyết định giám đốc thẩm, hoặc sẽ kéo dài thêm trong trường hợp quyết định giám đốc thẩm và 2 bản án bị hủy bỏ để xét xử lại từ đầu.
Trong diễn biến mới nhất, sau khi Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao có quyết định giám đốc thẩm vụ ly hôn. Ngày 13/1, VKSND Tối cao đã ban hành kiến nghị, đề nghị Hội đồng thẩm phán xét lại quyết định giám đốc thẩm; đề nghị hủy các bản án trước đó để xét xử sơ thẩm lại theo trình tự tố tụng.