• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vụ nâng giá thiết bị tại CDC Hà Nội: Các đối tượng đã 'thổi' giá máy xét nghiệm bằng cách nào?

CQĐT Bộ Công an vừa đề nghị truy tố cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm tội "Vi phạm...

“Sang tay” nhiều công ty

Kết luận điều tra cho rằng, theo quy định của Luật Đấu thầu, CDC Hà Nội phải lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, xây dựng giá kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, theo báo Pháp luật Việt Nam.

Nhưng Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng tư vấn mua sắm, chọn giá hàng hóa/dịch vụ của CDC Hà Nội đã không thực hiện quy định trên.

Bị can Cảm đã bàn bạc, thống nhất với Nguyễn Ngọc Nhất (nhân viên Cty Vitech) và Nguyễn Thanh Tuyền (nhân viên Cty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông, là công ty trực tiếp nhập khẩu hệ thống máy Realtime PCR tự động của hãng Qiagen- Đức) ấn định nhà thầu là Cty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (Cty MST) với mức giá trúng thầu được chỉ định là hơn 9,5 tỷ đồng.

Trụ sở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội. Ảnh: Dân trí/Nguyễn Dương
Trụ sở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội. Ảnh: Dân trí/Nguyễn Dương

Để hợp thức hóa việc lựa chọn nhà thầu với giá được ấn định từ trước, CDC Hà Nội thuê Cty CP Định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành lập khống Chứng thư thẩm định giá với giá ấn định trên và hoàn thiện các thủ tục chỉ định thầu.

Sau khi thỏa thuận, Nhất cùng Đào Thế Vinh (Giám đốc Cty MST) và Tuyền đã thông đồng nâng giá Hệ thống Realtime PCR trên từ hơn 3,7 tỷ đồng lên 7 tỷ đồng.

Thủ đoạn nâng giá hết sức tinh vi được kết luận điều tra chỉ ra: Cty Phương Đông nhập khẩu Hệ thống Realtime PCR với giá hơn 2,3 tỷ đồng (bao gồm cả thuế), sau đó bán hệ thống này cho Cty Hưng Long (do bà Nguyễn Hải Yến, vợ của Đào Thế Vinh làm GĐ) với giá hơn 3,7 tỷ đồng.

Tiếp đó, Vinh nhờ bà Bùi Thị Hồng Hà (GĐ Cty KĐ) ký hợp đồng mua lại Hệ thống Realtime PCR của Cty Hưng Long với giá hơn 4,6 tỷ. Sau đó, Cty KĐ ký hợp đồng bán Hệ thống Realtime PCR cho Cty MST của Vinh với giá hơn 6,6 tỷ. Cuối cùng, Cty MST bán Hệ thống Realtime PCR cho CDC Hà Nội với giá 7 tỷ.

Các đối tượng khai đã thống nhất chi lại cho Nguyễn Nhật Cảm 15%; chi cho Đào Thế Vinh 15% giá của hệ thống trên. Số tiền chênh lệch còn lại sau khi trừ các chi phí, Nhất và Tuyền mỗi người được hưởng lợi 50%.

Bị can Cảm không thừa nhận “ăn hoa hồng”

Ngày 3/3, Cty MST đã lắp đặt bàn giao hệ thống Realtime PCR tự động, đưa vào sử dụng tại CDC Hà Nội ở 70 Nguyễn Chí Thanh. CDC Hà Nội đã chuyển khoản thanh toán hơn 9,5 tỷ đồng cho Cty MST (gồm cả tiền máy tách chiết DNA/RNA tự động là 1,2 tỷ đồng; 3 tủ lạnh 1,34 tỷ đồng).

Một số bị can trong vụ án.
Một số bị can trong vụ án.

Theo kết luận điều tra, Cty Nhân Thành được yêu cầu thẩm định giá ngày 25/2 và phát hành Chứng thư thẩm định giá cho CDC Hà Nội vào ngày 27/2 (ghi lùi ngày 24/2). Việc ban hành chứng thư thẩm định giá không đúng quy định, không có giá trị pháp lý, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Theo lời khai của cựu Giám đốc CDC Hà Nội, bị can Cảm nhận thức việc làm của mình là sai, không đúng quy định của Luật Đấu thầu, Luật Kế toán, gây thiệt hại cho Nhà nước. Tuy nhiên bị can Cảm không thừa nhận Nhất có trao đổi với mình việc trích lại cho CDC Hà Nội phần trăm gói thầu, nên chưa đủ căn cứ chứng minh.

Còn theo lời khai của Nhất, bị can này biết Cảm từ khoảng năm 2018. Sau Tết Nguyên đán 2020, bị can Cảm gọi điện cho Nhất để được tư vấn về hệ thống Realtime PCR tự động của hãng Qiagen - Đức mà CDC Quảng Ninh đang sử dụng. Sau đó, hai bên đi đến thống nhất việc Nhất bán Hệ thống Realtime PCR tự động cho CDC Hà Nội với giá 7 tỷ đồng và sẽ chi phí 15% lợi nhuận cho Cảm.

Khoảng giữa tháng 3, gói thầu bị CQĐT phát hiện sai phạm. Thiệt hại trong vụ án được xác định là hơn 5,4 tỷ đồng.

Kết luận điều tra cho thấy, bị can Nguyễn Nhật Cảm thừa nhận quá trình mua sắm hệ thống máy xét nghiệm đã không tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu và Luật Kế toán, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước. Mặc dù bị can Nguyễn Ngọc Nhất và Nguyễn Thanh Tuyền đều có lời khai về việc thống nhất chung chi để được trúng thầu cung cấp máy xét nghiệm cho CDC Hà Nội, tuy nhiên ông Nguyễn Nhật Cảm không thừa nhận nội dung này, theo Tiền Phong.

Trụ sở CDC Hà Nội. 
Trụ sở CDC Hà Nội. 

Đáng chú ý, kết luận điều tra cũng cho biết, ngoài vụ nâng khống giá hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng để làm rõ có hay không sai phạm trong việc mua sắm 18 gói thầu khác (mua sắm trang thiết bị, vật tư, in ấn tài liệu phòng, chống dịch bệnh) trị giá khoảng 83 tỷ đồng tại CDC Hà Nội.

Liên quan đến vụ án này, có 6 bị can thuộc Trung tâm CDC Hà Nội gồm: Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc; Lê Xuân Tuấn, cán bộ Phòng Tài chính Kế toán; Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng Tổ chức hành chính; Nguyễn Ngọc Quỳnh, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ; Nguyễn Vũ Hà Thanh, Trưởng phòng Tài chính kế toán; Hoàng Kim Thư, Kế toán trưởng.

Bốn bị can còn lại gồm: Đào Thế Vinh, GĐ Cty MST; Nguyễn Trần Duy, TGĐ Cty CP Định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành; Nguyễn Ngọc Nhất, nhân viên Cty TNHH Phát triển khoa học Vitech, Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên Cty TNHH thiết bị y tế Phương Đông.

Theo KLĐT, CDC Hà Nội thực hiện gói thầu số 15 theo hình thức chỉ định thầu thông thường. Khi lập và xác định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo phương pháp lấy 3 báo giá của đơn vị cung cấp hàng hóa (Cty Phương Đông 7 tỷ đồng; Cty Ý Tưởng Việt 7,15 tỷ đồng và Cty Thành Công là 7,25 tỷ đồng), CDC Hà Nội đã lấy giá 7 tỷ đồng của Cty Phương Đông để làm dự toán và thuê Cty Nhân Thành thẩm định giá không đảm bảo khách quan, minh bạch, trái với quy định của khoản 2 Điều 11 Thông tư 58/2016/TT-BTC quy định giá gói thầu. 

(Tổng hợp)

AN LY

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật