Một câu hỏi đang được đặt ra là liệu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có mối quan hệ tốt với tân Tổng thống Mỹ Joe Biden hơn với cựu Tổng thống Donald Trump hay không?
Trong bài phân tích về cách xử sự của Trung Quốc vào ngày Joe Biden tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 46 của Mỹ hôm 20/1, tạp chí Autour du Monde (Pháp) cho rằng đó là một hành vi đầy tính khiêu khích của Bắc Kinh nhắm vào chính quyền mới ở Washington.
Bài báo chỉ rõ: trong khi hầu hết các nhà lãnh đạo trên thế giới đều gửi lời chúc mừng tân tổng thống Mỹ ngay trong ngày 20/1, thì mãi đến ngày hôm sau (21/1), người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh mới lên tiếng, nhưng là để bày tỏ hy vọng quan hệ của Bắc Kinh với chính quyền mới ở Mỹ “sẽ dựa trên lý trí”. Mong muốn này sau đó cũng được nhắc lại trong một dòng tweet của một quan chức ngoại giao Trung Quốc ngày 22/1 rằng quan hệ Trung-Mỹ nên “sớm trở lại đúng hướng”.
Theo ghi nhận của kênh truyền thông Mỹ CNBC, trong suốt 36 tiếng sau lễ nhậm chức của Biden, các quan chức và báo chí Trung Quốc gần như chỉ nói về các biện pháp trừng phạt mà Bắc Kinh vừa thông báo nhắm vào 28 nhân vật chủ chốt trong chính quyền Trump, gồm cả cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo và cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien. Đây được xem là hành động trả thù đòn tấn công cuối cùng của Pompeo đối với Trung Quốc liên quan đến hồ sơ Tân Cương và Đài Loan.
Nhất cử lưỡng tiện: "Đánh" Trump, "dọa" Biden
Giới quan sát nhận định hành động của Trung Quốc không đơn thuần là nhằm trả đũa các quan chức trong chính quyền Trump khi họ không còn giữ những chức vụ chính thức, mà còn là một thủ đoạn nhằm răn đe các quan chức mới trong chính quyền mới của Mỹ.
Giáo sư Wu Xinbo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc trường Đại học Phúc Đán (Trung Quốc), nói với nhật báo Financial Times (Anh) ngày 21/1 rằng “việc nêu tên của những người bị trừng phạt là một hình thức bêu xấu và sỉ nhục”. Theo vị giáo sư cố vấn cho chính phủ Trung Quốc này, đây “là một lời cảnh báo gửi đến các chính trị gia tương lai của Mỹ”.
Biden có đảo ngược chính sách của Trump với Trung Quốc?
Chuyên gia Scott Kennedy, làm việc tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Wahington, nói: “Trong những tháng cuối nhiệm kỳ, chính quyền Trump đã thông báo một loạt biện pháp hạn chế và trừng phạt chống Trung Quốc, khiến chính quyền Biden về mặt kỹ thuật và chính trị khó lòng rút lại”.
Trong khi đó, Zhiqun Zhu, Chủ nhiệm Khoa Quan hệ Quốc tế tại trường Đại học Bucknell nói: “Có sự đồng thuận lưỡng đảng tại Washington về việc phải mạnh tay hơn với Trung Quốc”. Antony Blinken, người được Biden đề cử làm ngoại trưởng, cũng xác nhận rằng dù ông không đồng ý với cách Trump thực hiện chính sách đối với Trung Quốc, nhưng ông thấy “cách tiếp cận cứng rắn với Bắc Kinh của cựu tổng thống là đúng”.
Còn Avril Haines, người được Biden đề cử làm Giám đốc Tình báo Quốc gia, cho biết bà ủng hộ “lập trường cứng rắn” đối với Bắc Kinh, và “cách tiếp cận của Mỹ trong vấn đề Trung Quốc phải đáp ứng về cơ bản thực tế một Trung Quốc đang đặc biệt quyết đoán và hung hăng”.
Tờ The Washington Post (Mỹ) ngày 21/1 nêu rõ: “Đúng vào lúc 12 giờ 4 phút (giờ Washington) ngày 20/1, trong khi Tổng thống Biden đang đọc diễn văn nhậm chức, Trung Quốc đã công bố quyết định trừng phạt các quan chức trong chính quyền Mỹ mãn nhiệm”. Theo báo Mỹ, khi hành động như vậy, giới lãnh đạo Trung Quốc không chỉ "đánh" vào nội các Trump đã mãn nhiệm, mà còn tìm cách bắt nạt và đe dọa chính quyền Mỹ sắp tới, ép họ phải thay đổi chính sách. Thủ đoạn này, theo The Washington Post, chắc chắn sẽ thất bại vì nhiều lý do.
Đối sách cứng rắn với Bắc Kinh “cơ bản là đúng”
Hầu hết các nhà phân tích cho rằng ông Biden sẽ không vội vã rút lại nhiều quyết định của chính quyền Trump đối với Trung Quốc, nhưng Biden chắc chắn sẽ chú trọng đến các vấn đề nhân quyền và chiến lược hơn là tìm cách gây khó khăn cho các doanh nghiệp Trung Quốc.
Theo một nhà phân tích Trung Quốc đề nghị giấu tên, có những vấn đề quan trọng khác chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Trung. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không muốn được xem là chiều theo ý của Washington trong những hồ sơ mà Bắc Kinh coi là nhạy cảm và “cốt lõi” như Đài Loan, Tân Cương, Tây Tạng, nhân quyền.
Ông Blinken từng nói các quan chức của đảng Dân chủ chắc chắn sẽ đề cập mạnh mẽ đến những vấn đề vốn gây ra một số rạn nứt với Bắc Kinh. Trước hết, lý do khiến Bắc Kinh phẫn nộ là tuyên bố hôm 19/1 của Ngoại trưởng Pompeo rằng Chính phủ Trung Quốc đang phạm tội diệt chủng và tội ác chống nhân loại đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương. Tuy nhiên, theo The Washington Post, nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc chú ý hơn đến những người đồng cấp mới trong chính quyền Biden, họ sẽ nhận ra rằng chiến lược của Trung Quốc nhằm trừng phạt các quan chức thời Trump chắc chắn sẽ thất bại.
Ngày 19/1, trong buổi điều trần trước Thượng viện, ông Blinken tuyên bố ông đồng ý với lời buộc tội diệt chủng mà người tiền nhiệm Pompeo đưa ra. Ý kiến này không phải là cá biệt. Theo nhiều nguồn tin, ủy ban tranh cử của Biden đã đưa ra quyết định trên sau một cuộc tranh luận nội bộ hồi tháng 8/2020. Về cá nhân Blinken, xuất thân từ một gia đình thoát được nạn diệt chủng người Do Thái và các cuộc tàn sát ở Nga, khó có khả năng ông sẽ thay đổi cách nhìn và ngừng gọi những gì Trung Quốc làm với người Duy Ngô Nhĩ là diệt chủng. Trên thực tế, thái độ "bắt nạt" của Bắc Kinh đã khiến cho việc thay đổi thêm khó khăn, và đó là tính toán sai lầm lớn đầu tiên của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Sai lầm thứ hai của Bắc Kinh là cho rằng chính quyền Biden không đồng ý với lập trường cơ bản của chính quyền Trump về Trung Quốc. Ông Blinken đã không ngần ngại tuyên bố trong phiên điều trần rằng chính sách chống Trung Quốc của chính quyền Trump “về cơ bản là đúng” và cựu tổng thống đã “đúng khi có một cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc”, mặc dù ông không đồng ý với cách thức thực hiện của chính quyền Trump. Nói cách khác, chính quyền Biden đang đổi mới "thương hiệu" chứ không phải thay đổi chính sách chống Trung Quốc của chính quyền tiền nhiệm.
Ngoài ra, bản thân Trung Quốc cũng tự hạ thấp uy tín khi tăng cường truyền bá các thuyết âm mưu về nguồn gốc của COVID-19, kêu gọi mở cuộc điều tra về một căn cứ quân sự ở Mỹ trong khi ngăn cản các nỗ lực điều tra nguồn gốc của virus ở Vũ Hán. Bắc Kinh cũng đang lan truyền những lời nói dối về vaccine của Mỹ để xóa nhòa sự thật về các vấn đề liên quan đến vaccine của chính Trung Quốc. Các lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đang gia tăng đe dọa Đài Loan.
Cơ hội để Mỹ xét lại quan hệ với Trung Quốc
Chuyên gia Kennedy cho rằng có một số lĩnh vực mà 2 nước có thể nỗ lực để hàn gắn quan hệ, chẳng hạn như nới lỏng một số hạn chế về thuế quan hay về cách cư xử với báo giới, “nhưng chỉ khi nào Trung Quốc cũng đối xử tương ứng và giải quyết những vấn đề gây ra những rắc rối”. Trong khi đó, Zhiqun Zhu liệt kê một số vấn đề “dễ giải quyết nhất” như tái lập chương trình Fulbright tại Trung Quốc và Hong Kong, đưa ra chính sách hoan nghênh hơn với sinh viên và học giả Trung Quốc, và mở cửa trở lại lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô và lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston.
Về phần mình, theo Zhiqun Zhu, Trung Quốc phải nỗ lực tránh đối đầu với Mỹ vì Bắc Kinh đã phải gánh chịu một số phản ứng ngược nghiêm trọng trong lĩnh vực ngoại giao trong năm 2020. Ông nói: “COVID-19 thực sự đã làm tổn hại hình ảnh của Trung Quốc. Nhiều nước vẫn còn quy trách Trung Quốc không minh bạch và không hành động đủ sớm để ngăn chặn virus lây lan”.
Trong khi đó, Đài Sputnik (Nga) nhận định những tuyên bố đầu tiên của các ứng cử viên cho các vị trí cấp cao trong các cơ quan an ninh Mỹ cho thấy rõ tính liên tục trong đường lối cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc mà Mỹ đã thực thi dưới thời Tổng thống Trump.
Tuy nhiên, các chuyên gia được Sputnik phỏng vấn cho rằng tân tổng thống Mỹ mặc dù sẽ không thay đổi bản chất của quan hệ Trung-Mỹ, nhưng có thể làm dịu căng thẳng giữa hai nước.
Phó Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga (IMEMO RAN), nói: “Biden đang rất cần một mặt trận thống nhất và đoàn kết trong nước. Đây không phải là một mặt trận thống nhất chống Trung Quốc, mà chỉ đơn giản là đoàn kết đất nước đang bị chia rẽ, đoàn kết những người có quan điểm chính trị trái ngược nhau. Nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc có thể trở thành chủ đề chính để đoàn kết và thống nhất trong nội bộ nước Mỹ. Những tuyên bố của các chính trị gia Mỹ cho thấy rõ điều này”.
Chắc chắn, chính quyền mới ở Mỹ sẽ tiếp tục chính sách kiềm chế Trung Quốc theo mọi hướng, nhưng sẽ không có những hành động bốc đồng như dưới thời Trump. Trong mọi trường hợp, Biden không thể tuyên bố toàn bộ chính sách của Trump là sai. Về nguyên tắc, một tuyên bố như vậy không thể được đưa ra trong bối cảnh chính trị hiện nay ở Mỹ.
Sau 1,5-2 năm mới có thể thấy động lực thực sự trong quan hệ Mỹ-Trung vì nhiệm vụ chính của Biden trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ sẽ là việc giải quyết các vấn đề nội bộ. Ngày nay, do những hành động của Mỹ, sự cạnh tranh chiến lược được đặt lên hàng đầu trong quan hệ Trung-Mỹ. Dưới thời Biden, Trung Quốc sẽ vẫn là đối thủ chính của Mỹ, có nghĩa là chính sách kiềm chế Trung Quốc sẽ tiếp tục được Mỹ thực hiện.