• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vì sao Saigon Square bị đề xuất đóng cửa?

Mới đây Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM đề xuất dẹp bỏ Trung tâm thương mại Saigon...

Saigon Square (77-89  Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1) nổi tiếng là một trong những nơi mua bán quần áo, giày dép, phụ kiện thời trang tại TP.HCM. Nơi này đón một lượng lớn khách du lịch trong nước cũng như quốc tế đến tham quan mua sắm mỗi năm. 

Nhưng mới đây thông tin Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM đề xuất dẹp bỏ Trung tâm thương mại Saigon Square đã khiến người tiêu dùng hoang mang. 

Theo chị Nguyễn Thu Trang (33 tuổi, quận 1, TP.HCM), khách hàng  tại trung tâm mua sắm, chị hay mua quần áo trẻ em cho các con tại đây vì chất lượng và mẫu mã đa dạng nên khi nghe đề xuất dẹp bỏ trung tâm khiến chị khá bất ngờ. 

Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM, Saigon Square là điểm nổi cộm việc bán hàng nhái, hàng giả, trong khi chế tài không đủ để xử lý triệt để, cơ quan chức năng đề xuất dẹp bỏ. 

Trong năm 2020, Đội QLTT số 4 của cục đã kiểm tra, xử phạt 38 vụ trong chợ Bến Thành và Trung tâm thương mại (TTTM)  Saigon Square, tịch thu tiêu hủy gần 3.000 đơn vị sản phẩm quần áo, túi xách, ba-lô, ví, giày dép, đồng hồ... giả nhãn hiệu, không xuất xứ, trị giá gần 3 tỷ đồng. 

Công khai bán hàng giả, Saigon Square bị đề xuất đóng cửa
Các sạp hàng kinh doanh thường đóng cửa, lẩn trốn khi thấy lực lượng quản lý thị trường kiểm tra.

Trong nhiều đợt kiểm tra, chủ kinh doanh thường không có mặt tại sạp, chỉ có nhân viên được thuê bán. Các chủ hàng vi phạm thường cố tình tránh né hoặc đối phó bằng cách khóa cửa, kéo màn che sạp, bỏ đi nơi khác...

Thậm chí đội QLTT còn nghi ngờ lực lượng bảo vệ của Saigon Square trở thành người hỗ trợ bằng cách báo động, kéo dài thời gian đo thân nhiệt để người kinh doanh có thời gian đóng sạp, trốn đi nơi khác. 

Ông Lê Hồng Hải, Đội trưởng Đội QLTT số 4, trả lời trên báo Phụ nữ TP.HCM, Trung tâm thương mại Saigon Square, Lucky Plaza, chợ Bến Thành (Q.1) được xác định là các điểm nổi cộm buôn bán hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, giả nhãn hiệu... và ngày càng diễn biến phức tạp.

Các mặt hàng chủ yếu là quần áo, giày dép, túi xách, đồng hồ, mắt kính... Đáng nói, sau khi lực lượng chức năng tuyên truyền thì 100% hộ kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng lậu. Nhưng thực tế, các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó lực lượng kiểm tra, như phân tán nhỏ hàng hóa, bày bán lẫn lộn với các mặt hàng cùng chủng loại có hóa đơn chứng từ...

sai-gon-square-6-e1509553547251.jpg
TTTM Saigon Square là nơi buôn bán rất nhiều mặt hàng thời trang quần áo, giày dép.

Ông Hải cho biết đã đề xuất dẹp bỏ TTTM Saigon Square, nhưng hiện các cơ quan liên quan chưa thống nhất được và chưa có giải pháp cụ thể.

Theo ông Hải cần phải có quy định quản lý, chế tài đối với các TTTM vi phạm như Saigon Square, đặc biệt là đối với các tổ chức, cá nhân quản lý các TTTM kinh doanh hàng hóa vi phạm, để họ có trách nhiệm phối hợp cùng với các cơ quan chức năng quản lý các hộ kinh doanh.

Theo ông Hải, Đội QLTT số 4 đã gửi văn bản đến Chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM đề nghị chỉ đạo các ban ngành, phường phối hợp chuyển hóa các điểm nổi cộm, trong đó có Saigon Square, và đề xuất thành phố giải thể hoặc đình chỉ có thời hạn việc kinh doanh tại đây.

HẢI MY

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật