Tuy nhiên, phản ứng của bà Mette Frederiksen không có gì đáng ngạc nhiên bởi năm 1946 khi Tổng thống Harry S.Truman cố gắng mua Greenland, Ngoại trưởng Đan Mạch James Byrnes cũng viết rằng đề xuất này “dường như là một cú sốc” và một sự xúc phạm đối với các quan chức Đan Mạch, theo TTXVN.
Trong thỏa thuận đưa ra, ông Truman đề nghị trao đổi một phần của quận Point Barrow ở Alaska cho Đan Mạch, bao gồm các quyền đối với bất kỳ loại dầu nào được phát hiện ở đó, để đổi lấy một phần của Greenland. Tuy nhiên, Đan Mạch đã bác bỏ ý tưởng này giống như họ đã làm với đề xuất của Tổng thống Trump.
Mỹ hiện đã có một căn cứ quân sự ở Greenland, vì vậy sẽ không cần phải mua nó cho mục đích quân sự. Tuy nhiên, Greenland có nguồn tài nguyên khổng lồ chưa được khai thác, bao gồm kẽm, chì, vàng, quặng sắt, kim cương, đồng và uranium mà Đan Mạch đã không thể hoặc không muốn khai thác.
Greenland cũng có nguồn nguyên tố đất hiếm dồi dào chưa được khai thác, như praseodymium hoặc dysprosium, và những nguyên tố này vô cùng quan trọng đối với việc sản xuất mọi thứ, từ ô tô điện đến điện thoại thông minh. Hiện nay, Mỹ phụ thuộc nhiều vào nguồn đất hiếm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tạp chí Wall Street Journal đã từng cảnh báo Bắc Kinh có thể ngừng cung cấp các khoáng sản đó cho Washington do cuộc chiến thương mại và Trung Quốc cũng đang cố gắng kiểm soát việc cung cấp các nguyên tố đất hiếm ở Greenland. Như vậy, nếu mua được Greenland, những khoáng sản có giá trị chiến lược này sẽ thuộc quyền sở hữu của Mỹ.
Tuy nhiên, điều khiến Greenland đặc biệt có giá trị đối với Mỹ là do sự nóng lên toàn cầu dẫn đến băng tan ở Bắc cực và mở ra một tuyến đường biển mới có thể được sử dụng cho cả tàu thương mại và tàu quân sự. Vào tháng 5/2018, phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Hội đồng Bắc Cực ở Phần Lan, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chỉ ra rằng các tuyến đường mới trên biển Bắc Cực có thể trở thành kênh đào Suez và Panama thế kỷ 21, tạo cơ hội mới cho thương mại, giúp rút ngắn thời gian đi lại giữa châu Á và phương Tây khoảng 20 ngày.
Ngoài ra, theo một báo cáo gần đây trên tờ New York Times, khi băng tan chảy và các tuyến trên biển Bắc Cực sẽ bớt quanh co, hành trình đi lại có thể được rút ngắn dưới 3 tuần trong một số trường hợp, giúp việc vận chuyển qua Bắc Cực trở nên được ưa chuộng hơn các tuyến phía Nam trong những thập kỷ tới.
Mỹ và các đồng minh có mối quan tâm lớn trong việc không cho phép các tuyến đường biển Bắc Cực này nằm dưới sự kiểm soát của Nga hoặc Trung Quốc vì lo ngại Trung Quốc sẽ biến Bắc Băng Dương thành Biển Đông mới với việc quân sự hóa và gây tranh chấp lãnh thổ. Việc mua Greenland sẽ giúp Mỹ bảo đảm tốt hơn các tuyến đường chiến lược mới nổi này.
Năm 1946, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ nói với Tổng thống Truman rằng Greenland hoàn toàn không có giá trị với Đan Mạch. Có thể hiện nay Đan Mạch không thấy như vậy, nhưng cũng không nên khó chịu với đề nghị của Tổng thống Trump bởi Đan Mạch đã từng bán những tài sản ở nước ngoài cho Mỹ. Đan Mạch đã nhượng lại quần đảo Tây Ấn thuộc Đan Mạch (nay là quần đảo Virgin của Mỹ) trong Hiệp ước Tây Ấn thuộc Đan Mạch năm 1916 dưới thời Tổng thống Woodrow Wilson.
Việc mua Greenland cũng phù hợp với lịch sử mua lại đất của các đời Tổng thống Mỹ. Năm 1803, Tổng thống Thomas Jefferson đã mua lãnh thổ Louisiana từ Pháp. Năm 1819, Tổng thống James Monroe mua Florida từ Tây Ban Nha. Năm 1854, Tổng thống Franklin Pierce, trong thỏa thuận Gadsden, đã mua một phần của New Mexico và Arizona từ Mexico. Năm 1867, Tổng thống Andrew Johnson mua Alaska từ Nga... Và năm 1903, Tổng thống Theodore Roosevelt đã thuê Khu vực Kênh đào Panama từ Panama và Vịnh Guantanamo từ Cuba.
Nếu Đan Mạch không muốn bán, Mỹ có thể thuê Greenland. Mặc dù trên Twitter, Tổng thống Trump đăng một bức ảnh cho thấy một thị trấn ven biển của Greenland với một tòa tháp Trump chọc trời cùng chú thích ảnh “Tôi cam kết sẽ không làm vậy với Greenland”, nhưng ý tưởng mua Greenland không phải là trò đùa. Greenland thực sự có rất nhiều ý nghĩa chiến lược và kinh tế đối với Mỹ.