Cụ thể, mẫu SUV điện ra mắt có tên lần lượt là VF31, VF32 và VF33 được ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để chạy các tính năng lái tự động như đánh lái, hỗ trợ đỗ xe và lập bản đồ 3D. Đây được xem là dòng sản phẩm xe điện để có chỗ đứng trên thị trường xe hơi châu Mỹ và châu Âu
Vingroup cho biết, họ sẽ bắt đầu nhận đơn đặt hàng đối với những chiếc SUV vào tháng 11, với kế hoạch giao chúng cho các tài xế ở Mỹ, Canada và châu Âu vào tháng 6/2022.
Tuần trước, tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, cho biết tập đoàn sẽ vay 6.980 tỷ đồng (tương đươn 302 triệu USD) thông qua trái phiếu doanh nghiệp. Số tiền được huy động bằng trái phiếu phát hành trong tháng 2 sẽ được dùng để đầu tư cho hai mảng kinh doanh: điện thoại thông minh (Vinsmart) và sản xuất, chế tạo ô tô (Vinfast).
Theo đó, 2 mảng kinh doanh này sẽ là mũi nhọn chiến lược của tập đoàn Vingroup trong tương lai, tuy nhiên dự kiến trong một vài năm tới vẫn sẽ chưa có lãi.
"Việc ra mắt sản phẩm mới là nền tảng vững chắc để VinFast vươn tới tầm nhìn toàn cầu và trở thành công ty sản xuất xe điện công nghệ cao được ưa chuộng trên thế giới, cũng như phát triển hệ sinh thái giao thông xanh và giảm lượng khí thải CO2", Vingroup cho biết.
Dữ liệu kinh doanh cho thấy, năm ngoái, VinFast đã bán được 29.485 xe tại Việt Nam, tăng so với năm 2019, nhưng ít hơn nhiều so với năng lực sản xuất 250.000 xe trong năm của hãng.
Hiện tại, Vingroup đang ấp ủ việc mở rộng thị trường. Riêng đối với Việt Nam, một trong những thị trường tiêu thụ xe máy chạy bằng xăng lớn nhất thế giới, VinFast đang cố gắng thay đổi thị hiếu này. Cụ thể, năm 2018 công ty đã cho ra mắt dòng xe điện SUV chạy bằng pin và bước tiếp theo mới đây là xe ô tô điện trong năm 2021.
Là nhà sản xuất ô tô đại chúng được chính phủ ủng hộ, VinFast có khả năng để thu hút nhiều người tiêu dùng chuyển sang sử dụng xe điện hơn, đặc biệt là trong bối cảnh lo ngại về sức khỏe và môi trường gia tăng về ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch.
Tuy nhiên, điểm hạn chế lớn nhất mà các hãng xe điện trên thế giới cũng như Vinfast phải đối mặt là cơ sở hạ tầng ở Việt Nam chưa phát triển kịp để phù hợp với các dòng xe này. Chất lượng đường xá, các bãi đỗ xe và địa điểm để sạc pin là những vấn đề quan trọng cần phải được cải thiện nếu như Việt Nam muốn phổ cập phương tiện chạy điện đến với tất cả người dân.
Mạng lưới cung cấp điện ở Việt Nam đang bị quá tải do không theo kịp nhu cầu sử dụng điện gia tăng và đặc biệt nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến đến từ các nhà máy sản xuất chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc chuyển sang.
Ngoài ô tô điện, Vinfast cũng đặt mục tiêu xuất khẩu ô tô sử dụng động cơ đốt trong ra ngoài thế giới, đây cũng là một phần trong chiến lược biến Việt Nam trở thành nước sản xuất ô tô có tên tuổi trong khu vực.