Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) vừa thông báo về việc đóng cửa các thị trường buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật trên toàn châu Á – Thái Bình Dương. Tuyên bố này được phát đi vào đúng thời điểm bệnh dịch viêm phổi cấp do virus corona ngày càng lan rộng và khiến hàng nghìn người thiệt mạng.
WWF nhấn mạnh về những ảnh hưởng tiêu cực của việc buôn bán bất hợp pháp các loài hoàng dã tới quần thể sinh học toàn cầu. Tuy nhiên, tác động đến con người như thế nào vẫn còn khá hạn chế và ít được quan tâm. Dịch bệnh virus corona hay SARS, MERS… là một trong những điều thúc đẩy nhận thức về nguy cơ tiềm ẩn tới sức khỏe con người vì hành động buôn bán động vật hoang dã. "Đặc biệt là thị trường chính lại là các nước châu Á, lưu vực sông Mekong; trong đó có Việt Nam, khu vực Tam giác vàng, điểm gặp nhau giữa Thái Lan, Lào và Myanmar, rất gần với biên giới Trung Quốc", WWF cho biết.
Do nhu cầu ngày càng tăng, việc săn bắt, trộm, bẫy diễn ra khắp nơi, đẩy các khu rừng châu Á vào tình hình thiệt hại nghiêm trọng, các loài quý hiếm ngày càng ít đi.
WWF cho rằng việc cấm tuyệt đối các hành động này là cần thiết, chỉ có điều ở nhiều quốc gia dù có quy định, luật rõ ràng nhưng việc thực hiện lại chậm trễ và còn bỏ ngỏ.
Cũng theo WWF, virus corona có thể tự biến đổi và trú ngụ tại vật chủ là động vật có vú, truyền sang người khi tiếp xúc gần với những con vật mang bệnh. Việc duy trì các thịt trường buôn bán động vật hoang dã sẽ tạo môi trường cho loại virus như thế này biến đổi và lây sang con người và đôi khi gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Thông qua hoạt động thông thương, du lịch sẽ dễ phát tán thành đại dịch.
Đúng trước tình hình này, Chính phủ Trung Quốc đã ban bố lệnh tạm cấm việc mua, bán các loài hoang dã tại các chợ, các nhà hàng và trên các nền tảng trực tuyến.
Giám đốc Quốc gia của WWF - Việt Nam, ông Vũ Ngọc Thịnh cho biết, Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng tiêu cực vì dịch bệnh, vì vậy việc “đóng cửa” vĩnh viễn các thị trường buôn bán động vật hoang dã trái phép và tăng cường thực thi pháp luật là cần thiết. Tương tự như Trung Quốc, chúng ta cũng cần có hành động quyết liệt hơn nữa.
Ông Thịnh nhấn mạnh, WWF sẽ làm việc với chính phủ để tăng cường hơn nữa hệ thống pháp lý quốc gia, quốc tế cũng như kêu gọi sự hợp tác của ngành y tế công cộng để chấm dứt nạn buôn bán bất hợp pháp loài hoang dã, đóng cửa các thị trường buôn bán chưa được quản lý.