Ngày 6/8, Công an Q.1 (TP.HCM) cho biết đã xác định người "chém" cuốc xe xích lô 5 phút dạo Sài Gòn giá 2,9 triệu đồng là ông Phạm Văn Dũng (49 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM) và đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với ông này để điều tra về hành vi “Cướp giật tài sản”.
Hôm qua, người lái xích lô "chặt chém" đã có buổi gặp con dâu nạn nhân. Thông qua con dâu của mình đang sống tại Việt Nam, cụ Oki không bắt ông Dũng trả lại tiền vì cụ cho rằng lỗi là do mình không hỏi giá trước.
Tại cơ quan công an, ông Dũng ngồi co ro, nép mình vào chiếc ghế gỗ. Ông cho biết đã 2 ngày nay ông không còn tâm trí để ăn uống được gì vì rất sợ, theo Thanh niên.
Ông Dũng kể với phóng viên, ông là dân gốc Q.4 và chỉ học hết lớp 5 rồi đi làm thuê, làm mướn. Hơn 10 năm trước, ông bắt đầu chuyển qua chạy xích lô ở khu vực Q.1 và thường xuyên đón khách quanh các khách sạn.
Sáng 3/8, ông Dũng vừa chạy từ đường Hai Bà Trưng ra Công trường Mê Linh thì gặp cụ Oki đang đi bộ nên vẫy tay mời và cụ đồng ý lên xe.
Hình ảnh ông Dũng chở cụ Oki sáng 3/8. |
“Cụ đưa tấm card của khách sạn nói tôi chở về đây. Vì cụ không hỏi giá nên tôi cũng không nói giá. Tới gần khách sạn, cụ bảo dừng lại để cụ đi bộ rồi đưa 500 ngàn. Thấy cụ bảnh, tôi nói "more more" ý xin thêm tiền bo, xong chỉ vào các tờ tiền trong ví rồi tự rút ra thêm 2,4 triệu nữa. Lúc đó cụ chỉ nói “too much” (đắt quá) rồi quay đi nên tôi nghĩ đó là tiền cụ bo cho mình. Chứ cụ la lên thì tôi đâu dám lấy mà trả lại rồi”, ông Dũng giải thích.
Theo lời ông Dũng, ngay lúc lấy tiền từ trong ví của cụ ra nhét vô túi áo, ông không biết chính xác tất cả là bao nhiêu tiền nên ngày 5/8 công an gọi lên nói cuốc xe 2,9 triệu, ông không dám chắc nên không nhận.
Ông Dũng biện minh: “Hôm sau mấy anh công an đưa camera có hình tôi chở ông cụ tôi mới nhận ra là cuốc xe của mình”. Tuy nhiên, sau đó, ông Dũng lại nói từ ngày 5/8 công an mời lên là ông đã lo sợ đến mức không ăn uống, cũng không ngủ được.
Từng bị phường bắt trả lại tiền chặt chém
Ông Dũng cho biết, ông có một người con học đại học và một người con làm shipper, vợ ở nhà nội trợ. Sau khi biết chuyện, cả vợ con ai cũng trách ông vì “chặt chém” quá đáng.
“Nãy vợ tôi lên trụ sở Công an Q.1 gặp tôi xong còn nạt thêm, nói không cho tôi chạy xích lô nữa. Kiếm nghề gì lương thiện mà làm, ít tiền cũng được. Tôi sợ con cái xem tin trên mạng rồi xấu hổ. Tôi biết tôi sai lắm rồi”, ông Dũng chia sẻ.
Ông Phạm Văn Dũng tại trụ sở công an. |
Với chút vốn tiếng Anh bồi của mình, ông Dũng chở chủ yếu là khách nước ngoài, Việt Kiều, lâu lâu có khách trong nước. Một cuốc xích lô 30 phút, nếu ai hỏi giá trước thì ông Dũng sẽ nhìn tùy từng khách mà trả lời, dao động trong khoảng từ 300.000 - 500.000 đồng.
Khi chở khách đến điểm yêu cầu, ông thường xin thêm tiền bo, với những khách dễ dãi thì ông được bo thêm vài trăm ngàn, có khi hơn cả triệu, lần được bo nhiều nhất của ông Dũng là gần 3 triệu đồng. Tuy nhiên, cũng có ngày ông chạy lòng vòng cả ngày nhưng không được cuốc xe nào.
Phóng viên đặt câu hỏi: “Từ trước tới nay ông bị công an mời về phường vì chặt chém bao giờ chưa?”. Ông Dũng thừa nhận: “Có lần khách lên xe không hỏi giá trước nên tôi lấy 1,5 triệu đồng. Khách vẫn trả tiền nhưng chụp hình tôi đưa về Công an P.Bến Nghé ngay sau đó. Công an gọi tôi lên và bắt trả lại tiền cho khách ngay tại trụ sở”.
Ngoài ra, ông Dũng cũng từng nhiều lần bị mời về phường vì đạp xích lô vào đường cấm. Chiều tối 6.8, sau khi lấy lời khai với công an, ông Dũng đã viết thư xin lỗi và nhờ Sở Du lịch TP.HCM chuyển đến cụ Oki.
Kết thúc cuộc trò chuyện với phóng viên, ông Dũng bày tỏ: “Tôi biết tôi sai lắm rồi. Tôi xin lỗi cụ và người nhà cụ. Tôi xin trả lại cụ số tiền trên và mong mọi người bỏ qua cho tôi lần này để về tìm công việc mới”.
Cụ ông Nhật Bản: ‘Phần lớn lỗi là do tôi’
Cũng trong buổi gặp này, chị Lê Thục Anh – con dâu của cụ Oki cũng có mặt để kể tường tận lại lại sự việc và hỏi thăm yêu cầu của cụ. Thông qua con dâu của mình, cụ Oki cho biết, cụ không có yêu cầu gì với người xích lô vì biết anh ta khó khăn, cũng không bắt phải trả lại tiền. “Phần lớn lỗi là do tôi không hỏi giá trước”, cụ Oki vẫn nhận lỗi về mình.
Cụ Oki cùng con cháu chụp ảnh lưu niệm tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ. |
Chị Lê Thục Anh cũng cho biết, cụ Oki rất yêu mến Việt Nam nên thường xuyên sang thăm con cháu và du lịch. Cụ thích đi bộ dạo quanh Sài Gòn để ngắm đường sá, con người. “Từ hôm xảy ra chuyện, cụ bị mất niềm tin lắm. Nhưng khi gia đình báo cho cụ tin công an đã tìm ra người xích lô, cụ rất mừng vì chính quyền làm việc rất nhanh. Tôi cũng mong ngành du lịch có chính sách quản lý thế nào để đội ngũ xích lô làm ăn đàng hoàng mà vẫn đủ sống”, chị Thục Anh chia sẻ.
Trước đó theo Tuổi trẻ, ngày 3/8, cụ ông Oki Toshiyuki được một người chạy xích lô chở từ chợ Bến Thành về khách sạn Liberty Central Saigon Riverside trên đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Cảm kích, cụ định gửi người đạp xích lô 500.000 đồng thì ông này... tỏ ý đòi thêm.
Cụ cũng đồng ý, lập tức ông này thò tay vào bóp của cụ lấy hết 5 tờ 500.000 đồng và 2 tờ 200.000 đồng rồi bỏ đi. Sau đó, cụ Oki Toshiyuki đã về Nhật vào sáng 4/8. Cụ Oki có con trai đang sống ở quận 4, TP.HCM.
Khai nhận với công an, ông Dũng thừa nhận sau khi chở cụ Oki Toshiyuki đến cách khách sạn 100m, ông Dũng dừng xe để cụ Oki xuống. Lúc này, cụ Oki lấy tờ tiền 500.000 đồng trả cho ông Dũng. Thấy vậy ông Dũng có xin thêm. Cụ Oki cũng đồng ý và mở ví lấy thêm tiền.
Tuy nhiên, ông Dũng thấy cụ Oki móc ví chậm quá nên thò tay phải vào ví lấy hết 5 tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng và 2 tờ tiền mệnh giá 200.000 đồng rồi bỏ đi. Ông Dũng cũng thừa nhận là trước khi chở cụ Oki thì hai bên không thỏa thuận giá cả.
Vụ việc cụ Oki bị xích lô "chém" 2,9 triệu đồng cho một cuốc xích lô chưa tới 1km đã khiến cộng đồng mạng phẫn nộ, chia sẻ.