• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh giác với cuộc điện thoại tự nhận là cán bộ cơ quan nhà nước như Thuế, Công an, Viện Kiểm Sát,...

Thời gian gần đây ghi nhận nhiều trường hợp người dân nhận được cuộc gọi từ những...

Thủ đoạn phạm tội của những đối tượng này rất tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau.

Cuộc gọi giả mọi cơ quan chức năng

Cụ thể, chúng thường sử dụng công nghệ cao để giả mạo số điện thoại giống hệt số công khai của cơ quan Thuế, Công An, Viện Kiểm Sát,... Sau đó, chúng gọi điện cho nạn nhân, tự xưng là cán bộ điều tra và thông báo họ liên quan tới các vấn đề như chưa quyết toán thuế, một vụ án hoặc có lệnh truy nã,... Mục đích của chúng là gây hoang mang, đe dọa để buộc nạn nhân phải chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân, hoặc chỉ dẫn tải những ứng dụng không rõ nguồn gốc có kèm mã độc lên điện thoại di động.

Ảnh: NCSC
Ảnh: NCSC

Trường hợp của chị Quỳnh Diễm, 28 tuổi, ngụ tại Cam Lộ, Quảng Trị, cho biết, chị thường xuyên bị các đối tượng giả mạo cơ quan chức năng, ban đầu là đối tượng giả mạo cơ quan Thuế, sau đó là đến giả mạo cơ quan Công An, gần đây nhất vào đầu tháng 9 chị tiếp tục bị làm phiền bởi số điện thoại 082xxxx625.

Đối tượng gọi điện đến và tự xưng là cán bộ thuế và thông báo là công ty chưa quyết toán thuế. Đối với đối tượng tự xưng là công an thì thông báo chưa cập nhật định danh nên hướng dẫn tải ứng dụng và thông báo xe của mình có gây tai nạn bỏ trốn”, chị Diễm chia sẻ thêm “Các đối tượng khi thực hiện cuộc gọi thường có tông giọng lớn và gằn, có yếu tố răn đe và uy hiếp các nạn nhân”.

Đáng quan ngại hơn là các đối tượng này thực hiện cuộc gọi giả mạo không chỉ một lần mà rất nhiều lần, nhằm hướng đến việc mất cảnh giác của nạn nhân, qua đó tìm kiếm cơ hội để thực hiện hành vi lừa đảo. “Công việc của mình đôi lúc vẫn có những cuộc gọi thật từ các cán bộ liên hệ công việc, nên khi có cuộc gọi nhận là cơ quan chức năng mình vẫn trả lời rất lịch sự. Nhưng cũng vì cuộc gọi diễn ra nhiều, có lúc mình suýt mất cảnh giác” chị Diễm cho biết.

Cảnh giác trước những cuộc gọi lạ

Trao đổi thêm về vấn đề này với chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), anh cho biết: “Hiện nay, các đối tượng lừa đảo không chỉ sử dụng nhiều đầu số di động SIM rác khác nhau, mà còn tinh vi khi sử dụng tin nhắn giả mạo có thương hiệu. Trong đó chưa kể đến, các đối tượng còn dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI như: “deepfake, deep voice”... để tạo ra các video giả mạo là người từ cơ quan có thẩm quyền để lừa đảo..

Cảnh giác với cuộc điện thoại tự nhận là cán bộ cơ quan nhà nước như Thuế, Công an, Viện Kiểm Sát,...

Mục đích của họ là để thực hiện các chiêu trò lừa đảo, bằng cách đưa người dùng đến các ứng dụng giả mạo của cơ quan Thuế, các cổng dịch vụ công, hay thậm chí là cơ quan an ninh mạng để dẫn dụ tải về mã độc. Một ví dụ điển hình là có những đối tượng giả mạo làm công chức Thuế hoặc cơ quan an ninh mạng, gọi điện đến người dân và hướng dẫn họ truy cập vào đường link độc hại ví dụ như: "gdzgov[.]cfd" để tải về ứng dụng giả mạo nhắm vào người dùng Android, trang web có giao diện gần giống với trang chợ ứng dụng của Google CH Play, nhưng khi nhấp vào tải về thì người dùng sẽ nhận về 1 tệp tin có đuôi là .apk. Mục tiêu của kẻ xấu là dẫn dụ người dùng sau khi tải về tệp tin .apk sẽ yêu cầu cấp quyền nhạy cảm cao nhất cho ứng dụng độc hại này, đặc biệt với quyền Accessibility Service thì kẻ gian đã có thể thực thi mã độc đọc được nội dung và tương tác được trên các ứng dụng khác nhằm lấy thông tin cá nhân, và tài khoản ngân hàng.”

Có thể thấy, các đối tượng khi thực hiện giả danh cơ quan chức năng đang hướng đến việc thu thập thông tin nạn nhân và tìm cách chiếm quyền kiểm soát thông qua cài đặt những ứng dụng lạ hoặc những đường link lạ có kèm mã độc. Chính vì điều này mà người dân cần tỉnh táo khi nhận được những cuộc khả nghi, cho dù các đối tượng tự nhận là cơ quan chức năng, hãy thật cảnh giác với những đường link hoặc những chỉ dẫn cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP hay cài đặt ứng dụng lạ, tránh tình trạng bị đối tượng xấu kiểm soát thiết bị di động từ xa. 

Cơ quan công an không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội

“Bộ Công an khuyến cáo, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước và các cơ quan tư pháp, tiến hành tố tụng hình sự, để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại hoặc giả danh nhân viên ngân hàng, bưu điện, bảo hiểm, thanh tra, hải quan... yêu cầu nhận tiền, quà bưu phẩm có giá trị lớn hoặc đóng các khoản phí, trả các khoản nợ không xác định.” - đại diện Bộ Công an khẳng định.

Qua các vụ việc, Bộ Công an đề nghị, cơ quan công an các cấp khi làm việc, xác minh, điều tra, sẽ làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo gửi đến chính quyền, cá nhân, tổ chức đó, tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội. Đồng thời, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.

Nguyễn Lộc

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật