Trên con phố nhỏ rợp bóng cây ở Hà Nội, một cửa hàng được thiết kế đầy màu sắc mang tên Kymviet Space nhằm thay đổi nhận thức về người khuyết tật. Ở cuối hành lang được trang trí sống động là một tòa nhà bốn tầng, nơi đội ngũ gồm 30 nhân viên khuyết tật hàng ngày chế tác và lắp ráp những món đồ trang trí thủ công đẹp mắt.
Năm lên 7 tuổi, một tai nạn đã khiến anh Phạm Việt Hoài phải gắn liền với chiếc xe lăn. Khi lớn lên, anh hiểu được sự khó khăn mà người khuyết tật gặp phải khi tìm việc. Không nản lòng, anh bắt đầu kinh doanh nhiều lĩnh vực, từ ngành in ấn cho tới máy tính và thiết bị công nghiệp.
Với kinh nghiệm kinh doanh của mình, “Tôi quyết định mở một doanh nghiệp tạo việc làm cho người khuyết tật và tìm những phương thức tốt nhất để tuyển dụng họ”. Ở Việt Nam, anh cho biết “người khuyết tật không có nhiều lựa chọn nghề nghiệp”. Anh chọn mảng thiết kế và chế tác vải thủ công để người khuyết tật có thể tiếp cận, và cũng nhằm quảng bá bản sắc văn hóa Việt. “Thật may là tôi đã đúng”, anh nói.
Anh Phạm Việt Hoài, người sáng lập và Chủ tịch của Kymviet (Ảnh: Wipo) |
Vào tháng 12/2013, anh Hoài ra mắt Kymviet cùng hai người bạn khuyết tật là anh Lê Việt Cường và Nguyễn Đức Minh, người đã qua đời năm 2019. Năm 2018, anh Cường rời Kymviet để lập một mô hình khác cho người khuyết tật, Hợp tác xã “Vụn Art”. Anh Hoài là người sáng lập và Chủ tịch hội đồng quản trị còn lại của Kymviet.
Bắt đầu với ba chiếc máy khâu cùng ba nhân viên trong hai căn phòng thuê, Kymviet nhanh chóng đạt được những thành công. Sau một vài lần di chuyển, cùng sự giúp đỡ và hợp tác của Đại học Kiến trúc Hà Nội, anh Hoài đã thiết kế trụ sợ hiện tại để có thể đáp ứng nhu cầu của người khuyết tật, với những đường dốc và cửa sổ lớn để đón ánh sáng tự nhiên, đồng thời có cả nhà kho, xưởng và quán café dành cho tất cả mọi người.
Kymviet hoàn toàn là doanh nghiệp tự cung tự cấp, với nguồn tài chính để trả lương, thuê nhà xưởng và các khoản phí cố định đều được trang trải từ việc bán sản phẩm và dịch vụ. Không hề phụ thuộc vào bất cứ nguồn tài trợ nào, khả năng tự cung tự cấp mạnh mẽ ấy đã giúp công ty vượt qua khủng hoảng đại dịch Covid-19 và “đứng vững sau 3 năm”.
Sở hữu quyền bảo vệ trí tuệ mạnh mẽ ở Việt Nam, hướng tới thị trường quốc tế.
Kymviet hiện chỉ được đăng ký ở Việt Nam do tập trung củng cố thương hiệu và uy tín trên toàn quốc. Tuy nhiên, giờ đây công ty đã sẵn sàng thâm nhập vào thị trường nước ngoài. Trong 5 năm tới, công ty quyết tâm mở rộng ra thị trường châu Âu và bảo vệ thương hiệu của mình trên phạm vi quốc tế.
Doanh nghiệp cũng dự kiến tạo thêm nhiều cơ hội việc làm hơn cho người khuyết tật ở Việt Nam và mở trung tâm đào tạo nghề chuyên nghiệp cho họ, đồng thời quảng bá văn hóa Việt ra thế giới.
Một số sản phẩm thủ công của Kymviet (Ảnh: WIPO) |
Chuyên gia thương hiệu của WIPO hiện đang hợp tác với công ty để nâng tầm quốc tế của thương hiệu và các giá trị vô hình khác để hỗ trợ những mục tiêu mở rộng kinh doanh của Kymviet.
Kymviet tự hào với chất lượng sản phẩm của mình, “Mọi người mua sản phẩm của chúng tôi không phải bởi họ muốn đóng góp từ thiện, mà vì chúng là những sản phẩm chất lượng nhất”, anh Hoài cho biết.
Ba cột trụ: Sản xuất, Café và Giáo dục
Mô hình doanh nghiệp Kymviet, với sự kết hợp “kym” (kim chỉ) và “Viet” là Việt Nam, hiện dựa vào ba cột trụ chính. Thứ nhất là việc sản xuất các sản phẩm thủ công, từ đồ chơi, đồ trang trí nhà cửa và các sản phẩm thời trang, như gối du lịch, túi đeo, các mô hình trâu nước, cá, chó, mèo. Khách hàng có thể mua sản phẩm trực tiếp hay online. Công ty cũng sản xuất các sản phẩm quà tặng doanh nghiệp hay cho chính phủ, các sản phẩm đồng thời cũng được bày bán tại các cửa hàng lưu nhiệm.
Cột trụ thứ hai của Kymviet là café. Nhân viên mới có thể lựa chọn theo hai phương án đào tạo nghề: sản xuất các sản phẩm thủ công hoặc điều hành quán café, tùy theo mong muốn và khả năng của họ.
Cột trụ thứ ba là giáo dục, và cũng là lĩnh vực có vị trí đặc biệt với anh Hoài. Đây là lĩnh vực liên quan đến việc thể hiện công việc của nhân viên. Tất cả mọi người, sinh viên hay khách du lịch đều được chào đón khi đến và dành thời gian của họ với nhóm, học ngôn ngữ ký hiệu, làm sản phẩm thủ công trong khi thưởng thức đặc sản của quán café.
Theo anh Hoài, Việt Nam có hơn 2,5 triệu người điếc, và Kymviet tập trung vào nhóm cộng đồng này. Với nhân viên hầu như là người điếc, sứ mệnh của Kymviet là tạo cơ hội việc làm cho từng cá nhân và giúp họ phát huy hết được tiềm năng của mình.
Một góc chế tác sản phẩm thủ công ở Kymviet (Ảnh: WIPO) |
Nguyễn Thị Thùy Trang là một nhân viên vui vẻ và nhiệt huyết. Ở tuổi 48, cô đã gắn bó với Kymviet được 9 năm. “Trước khi gia nhập Kymviet, tôi đã phải đi rất nhiều nơi để tìm việc nhưng luôn bị từ chối bởi là một người khuyết tật. Tôi đã học được nhiều thứ ở đây, như cắt và may vá, ban đầu những việc này không hề dễ dàng”, cô nói và tự hào cho biết giờ cô đã là một chuyên gia.
Khi vào làm ở Kymviet, cô là một bà mẹ trẻ hai con. Nguồn thu nhập ổn định của công ty giúp cô có thể nuôi con mà không cần lo về tài chính. Cô đã chứng kiến công ty từ những bước khởi đầu cho tới lúc gặt được thành công, và cô hy vọng mọi người có thể hiểu được giá trị chất lượng của các sản phẩm. “Chúng tôi có thể điếc, nhưng chúng tôi tạo ra những sản phẩm tuyệt vời ở Kymviet”, cô nói. “Chúng tôi rất hạnh phúc khi làm việc tại đây, nó đem lại cho tôi niềm vui và hạnh phúc”.
Truyền thống và sự đổi mới
Anh Hoài cho biết tất cả các mẫu mã ở Kymviet đều nhằm truyền tải và phản ánh những giá trị truyền thống của văn hóa Việt. Cộng tác với hai nhà thiết kế, Nguyễn Viết Dũng và Kiều Tuấn, công ty mỗi tháng cho ra từ 3 – 5 mẫu mã mới.
Những mẫu này được thử nghiệm với các loại vải khác nhau, sau đó được gửi cho khách hàng xem xét trước khi đưa vào sản xuất. Khối lượng sản xuất phụ thuộc vào mức độ phức tạp của sản phẩm, nhưng trung bình, công ty sản xuất từ 3000 – 5000 mặt hàng mỗi năm.