Hiện nay, Việt Nam đang đối diện với hầu hết các thách thức an ninh môi trường từ ô nhiễm đất, nước, không khí… Hiểu rõ về môi trường, sẽ giúp chúng ta tìm kiếm được các giải pháp phù hợp.
Vai trò của khoa học xã hội và nhân văn với môi trường
Khoa học xã hội và nhân văn là một hệ thống những tri thức về xã hội và con người. Nhiệm vụ của khoa học xã hội và nhân văn là nghiên cứu nhằm phát hiện quy luật của sự hình thành, phát triển của con người và xã hội loài người, làm rõ quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với xã hội và giữa con người với giới tự nhiên.
Các vấn đề về môi trường đã nổi lên từ khoảng giữa thế kỷ XX đến nay và ngày càng nhiều thách thức. Ngay khi thế giới có các vấn đề về chất lượng môi trường thay đổi, các nhà khoa học đã mở ra nhiều hướng nghiên cứu liên quan. ( T.S Phạm Thị Mỵ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nữ trí thức Việt Nam) |
Khoa học xã hội và nhân văn truyền bá những tri thức về phát triển bền vững, giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với sự phát triển bền vững. Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ xã hội và đảm bảo môi trường sinh thái. Có thể nói, tri thức về phát triển bền vững là thành quả mà nhân loại đã đúc rút và tích lũy trong suốt quá trình phát triển nhiều thế kỷ.
Chức năng của khoa học xã hội và nhân văn là nghiên cứu các quy luật hình thành và phát triển của xã hội và con người, của mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội, góp phần cải tạo, biến đổi xã hội, ở những mức độ khác nhau. Sự xuất hiện của các vấn đề toàn cầu như khủng hoảng kinh tế, thảm họa thiên nhiên, đại dịch… để lại những hậu quả sâu rộng khiến cho tầm quan trọng của khoa học xã hội và nhân văn trong sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội của mỗi quốc gia và của toàn thế giới càng được khẳng định rõ hơn.
Theo trang Từ điển mở WikiPedia, nghiên cứu môi trường (Environmental studies) là một lĩnh vực học thuật đa ngành, nghiên cứu một cách có hệ thống sự tương tác của con người với môi trường. Nghiên cứu môi trường liên hệ các nguyên lý từ khoa học vật lý, thương mại/kinh tế và khoa học xã hội để giải quyết các vấn đề môi trường đương đại phức tạp. Đây là lĩnh vực nghiên cứu rộng lớn bao gồm môi trường tự nhiên, môi trường nhân tạo và mối quan hệ giữa chúng.
Vận dụng vai trò của khoa học xã hội và nhân văn để nghiên cứu về môi trường:
Khoa học xã hội và nhân văn góp phần bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách và hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.
Khoa học xã hội và nhân văn góp phần xây dựng công cụ phục vụ quản lý môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Các nội dung chính đã được nghiên cứu, làm rõ là xây dựng các phương pháp, các cách tiếp cận mới trong quản lý môi trường, bao gồm: lượng giá thiệt hại do ô nhiễm không khí, phục vụ công tác xác định bồi thường thiệt hại và xử lý các vi phạm về môi trường; giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết bồi thường thiệt hại do vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; tiếp cận hệ sinh thái trong giải quyết các vấn đề môi trường - sức khỏe; cơ chế đối tác về bảo vệ môi trường; phương pháp luận đánh giá dự báo tác động của dự án đến sức khỏe cộng đồng trong đánh giá tác động môi trường; cơ chế, chính sách nhằm giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường liên tỉnh.
Môi trường sinh thái nước ta chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu toàn cầu, các vấn đề môi trường phi truyền thống gia tăng cùng với hội nhập thương mại quốc tế và thách thức từ vấn đề ô nhiễm môi trường xuyên biên giới. ( T.S Phạm Thị Mỵ ) |
Từng bước lựa chọn và triển khai áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ thân thiện môi trường phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Áp dụng các phương pháp, công nghệ tiên tiến để quan trắc môi trường; dự báo, kiểm soát, phòng ngừa, giảm thiểu, xử lý ô nhiễm môi trường.
Góp phần cải thiện chất lượng môi trường; bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, một số kết quả nghiên cứu về môi trường trong những năm gần đây có thể kể đến: Kết quả nghiên cứu của các đề tài đã có những đóng góp và ứng dụng thực tiễn để cung cấp cơ sở khoa học cho việc ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững cũng như góp phần bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Chiến lược Quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020, Chiến lược Quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học giai đoạn 2021 - 2030, hoặc cung cấp cơ sở khoa học vững chắc và thực tiễn để xây dựng các văn bản dưới luật.
Các nghiên cứu đã từng bước làm rõ được một số vấn đề mới và khó, làm cơ sở khoa học cần thiết và thực tiễn trong việc xây dựng các phương pháp luận, các công cụ phục vụ quản lý môi trường.
Một số đề tài đã được ứng dụng để đánh giá, lựa chọn và đề xuất danh mục một số công nghệ xử lý chất thải phù hợp với điều kiện Việt Nam như xử lý nước thải ngành chế biến tinh bột sắn, giết mổ gia súc; xử lý nước rác cho các bãi chôn lấp qui mô thị xã hoặc công nghệ xử lý chất thải nguy hại đối với ngành điện tử bằng lò đốt; xử lý bùn thải phát sinh từ hệ thống xử lý nước thải; xử lý bóng đèn huỳnh quang; tái chế, thu hồi kim loại từ bản mạch, linh kiện điện tử; xử lý, tái chế dung môi. Kết quả của một số đề tài có ý nghĩa thực tiễn trong việc đề xuất các phương án công nghệ xử lý nước thải có tính thân thiện môi trường.
Riêng trong giai đoạn 2011-2020, đã có nhiều đề tài có kết quả nghiên cứu có tính khả thi và khả năng ứng dụng, áp dụng thực tiễn các phương pháp, công nghệ tiên tiến trong quan trắc môi trường, dự báo, kiểm soát, phòng ngừa, giảm thiểu, xử lý ô nhiễm môi trường. Đó là: Xây dựng hệ số phát thải phục vụ công tác thống kê nguồn thải lưu vực sông; xây dựng bộ hệ số phát thải phục vụ kiểm soát khí thải đối với một số ngành công nghiệp chính; ứng dụng GIS và ảnh viễn thám quang học Landsat, Quickbird và ảnh Palsar theo dõi sự biến động của một số thành phần môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản bauxite; xác định các nguồn đóng góp chính đối với bụi PM10, PM2.5 ở đô thị miền Bắc Việt Nam; ứng dụng vật liệu nano volfram và thiếc ô-xít để chế tạo đầu đo khí NOx và H2S trong thiết bị cầm tay quan trắc môi trường khí.
Kết quả nghiên cứu của một số đề tài đã góp phần bổ sung thêm về cơ chế, công cụ mới về quản lý trong bảo tồn đa dạng sinh học như: cơ chế quản lý hoạt động tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen ở Việt Nam; cơ chế chi trả dịch vụ môi trường đất ngập nước, quy định về phân loại, phân hạng và quản lý khu bảo tồn, quy định về bảo vệ loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, quy định về thu thập, quản lý thông tin về đa dạng sinh học trong Luật Đa dạng sinh học.
Những vấn đề đặt ra đối với nghiên cứu về môi trường hiện nay
Từ thực trạng môi trường, các ngành khoa học xã hội và nhân văn đã nhận diện được một số vấn đề để tiếp tục nghiên cứu, đầu tư và thực thi các giải pháp khả thi. Đó là:
Quy mô nền kinh tế và dân số nước ta ngày càng tăng, mức độ công nghiệp hóa và đô thị hóa ngày càng cao, công tác quản lý khai thác tài nguyên thiên nhiên còn nhiều hạn chế, phát sinh nhiều nguồn gây ô nhiễm, chất thải ngày càng tăng về thành phần và khối lượng, kết cấu hạ tầng thu gom và xử lý chất thải còn thiếu và không được đầu tư đồng bộ, dẫn đến các áp lực lên môi trường ngày càng cao, tác động xấu đến chất lượng môi trường.
Môi trường sinh thái nước ta chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu toàn cầu, các vấn đề môi trường phi truyền thống gia tăng cùng với hội nhập thương mại quốc tế và thách thức từ vấn đề ô nhiễm môi trường xuyên biên giới.
Vẫn còn tồn tại quan điểm ưu tiên và coi trọng tăng trưởng phát triển kinh tế, thu hút đầu tư bằng mọi giá và xem nhẹ yêu cầu bảo vệ môi trường; văn hóa, ý thức trách nhiệm của người dân và doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế; việc thực thi các chính sách và công cụ bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập và mang lại hiệu quả thấp.
Trong 26 năm nghiên cứu khoa học về cây lúa, GS.TS. Nguyễn Thị Lang là tác giả chính của gần 90 giống lúa đã được ứng dụng thực tiễn và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Trong đó, có 30 giống lúa đạt chuẩn xuất khẩu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và đưa vào sản xuất. |
Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường còn bất cập; các công cụ quản lý môi trường chưa phát huy được hiệu lực, hiệu quả; cách tiếp cận và công cụ quản lý mới chưa được thể chế hóa kịp thời và không theo kịp với những diễn biến nhanh của các vấn đề môi trường và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Năng lực quản lý nhà nước về môi trường và quản trị môi trường của doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu. Mô hình tổ chức cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương còn bất cập, chưa đáp ứng kịp yêu cầu quản lý đối với một số lĩnh vực lớn, phức tạp, nhạy cảm đang gia tăng hiện nay.
Nguồn lực tài chính đầu tư cho bảo vệ môi trường từ ngân sách nhà nước và vốn doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu cơ chế đột phá để huy động nguồn tài chính cho công tác này.
Các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao vẫn được cấp phép đầu tư vào Việt Nam. Năng lực dự báo, cảnh báo phòng ngừa và ứng phó với các sự cố môi trường của cơ quan quản lý nhà nước, địa phương và các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.
Công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường trong và ngoài hệ thống giáo dục quốc gia còn hạn chế, chưa thật hiệu quả.
Quản lý môi trường trong bối cảnh mới
Bối cảnh quan trọng hiện nay liên quan đến các vấn đề môi trường đó là biến đổi khí hậu và những nỗ lực để ứng phó, trong đó việc cả thế giới đang thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính, nhiều quốc gia cam kết trung hòa cacbon vào 25-40 năm tới.
Xu thế dịch chuyển chính sách trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở các nước trên thế giới đặt ra yêu cầu về môi trường trong thương mại quốc tế, hội nhập ngày càng cao. Xu hướng chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ được nhiều quốc gia đặt ưu tiên hàng đầu.
Các yêu cầu về bảo vệ môi trường trên bình diện quốc tế ngày càng cao, đòi hỏi Việt Nam phải có những hành động mạnh mẽ hơn để đảm bảo đạt được các yêu cầu, cam kết và nghĩa vụ đã ký kết, thỏa thuận; trong đó có cam kết theo các FTA thế hệ mới, Chương trình nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), Thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu, các cam kết tại Hội nghị COP 26, Nghị quyết số 05/NQ-CP ngày 15/01/2021 phê duyệt chủ trương Việt Nam ủng hộ Cam kết của các nhà Lãnh đạo thế giới về Thiên nhiên nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh về Đa dạng sinh học trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 75 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc...
PGS.TS. Nguyễn Thị Hòe – nhà khoa học được mệnh danh là người hội tụ 3 trong một: Từ nghiên cứu đến sản xuất và kinh doanh. Chị nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 1993. |
Định hướng phát triển bền vững, chủ trương chuyển đổi mô hình tăng trưởng hướng tới nền kinh tế xanh đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác bảo vệ môi trường.
Theo đó, nền kinh tế xanh gắn với sử dụng năng lượng tái tạo, xây dựng xã hội các bon thấp, tăng trưởng xanh, đầu tư khôi phục hệ sinh thái, giải quyết sinh kế gắn với phục hồi môi trường... Thực tế công nghệ sản xuất ở Việt Nam hiện nay so với thế giới phần lớn là công nghệ cũ, tiêu hao năng lượng lớn; do đó việc thay đổi công nghệ mới phù hợp với nền kinh tế xanh để thực hiện tăng trưởng xanh là thách thức không nhỏ nếu không có sự trợ giúp về vốn và công nghệ của các nước phát triển có công nghệ cao trên thế giới.
Với hơn 70% dân số ở nông thôn, sản xuất nông nghiệp là chính, nhiều vùng nông thôn và khu vực miền núi, sinh kế người dân còn gặp nhiều khó khăn. Phát triển “kinh tế xanh” phải gắn với xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội, đây là thách thức không nhỏ trong lựa chọn chính sách thực hiện kế hoạch hành động xanh.
Hiện chúng ta thiếu vắng các ngành kinh tế hỗ trợ, giải quyết hậu quả về môi trường, ngành kinh tế thân thiện với môi trường như: Công nghệ, dịch vụ bảo vệ môi trường; công nghiệp tái chế; sản xuất năng lượng từ chất thải, năng lượng sạch; hàng hóa, sản phẩm thân thiện với môi trường; nông nghiệp hữu cơ. Hoặc đã có một số lĩnh vực sản xuất thân thiện với môi trường đã được chú ý phát triển những gặp khó khăn về nguồn vốn, đầu ra của sản phẩm thiếu tính ổn định, lợi thế cạnh tranh, lợi nhuận thấp nên vẫn chưa hình thành được những ngành kinh tế đủ mạnh để giải quyết có hiệu quả các vấn đề môi trường hiện nay.
Bởi thế, các vấn đề đặt ra hiện nay về môi trường là:
Một là, thay đổi tư duy bảo vệ môi trường: Phải đổi mới tư duy và hành động; các mô hình phát triển kinh tế - xã hội cần dựa trên quan điểm tôn trọng và sống hài hòa với thiên nhiên, hướng đến kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải hoặc không phát thải khí nhà kính.
Hai là, hoàn thiện hệ thống chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường theo hướng tuần hoàn tài nguyên, xây dựng và phát triển các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Ba là, tăng cường nguồn nhân lực và năng lực quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho công tác này, trong đó ưu tiên xã hội hóa, kêu gọi đầu tư, hỗ trợ cho việc phát triển các công nghệ xử lý, tái chế chất thải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Bốn là, đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ trong bảo vệ môi trường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giáo dục môi trường.
Đóng góp của nữ trí thức với môi trường
Trong số hơn 5000 hội viên của Hội Nữ trí thức Việt Nam có đến 58% nữ trí thức hoạt động và có đóng góp trong các lĩnh vực có liên quan đến môi trường. Ở đây chúng tôi chỉ xin đơn cử đến 3 lĩnh vực đóng góp chính của chị em.
Về truyền thông: Có hàng ngàn nữ nhà báo, nhà khoa học tham gia công tác truyền thông; tuyên truyền giáo dục ý thức bảo vệ môi trường đến cộng đồng; cung cấp những kiến thức cần thiết về biến đổi khí hậu; ô nhiễm không khí; ô nhiễm đất; ô nhiễm nước; ô nhiễm rác thải; ô nhiễm tiếng ồn; đa dạng sinh học… giúp cộng đồng có những nhận thức để thay đổi hành vi, ứng xử tốt với môi trường. Phóng viên của VTV đã tận tụy bám sát cuộc sống, kịp thời phản ánh những vấn đề thiết thực trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhiều nhà báo ở các báo Trung ương và địa phương, đài phát thanh đã không ngại khó khăn gian khổ đến với những vùng lũ ống, lũ quét, vùng sạt lở, lũ lụt để có những bài viết chân thực sâu sắc vể môi trường và biến đổi khí hậu và đưa ra những giải pháp để hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường, tăng cường khả năng ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu. Nhiều bài viết của các chị đã đoạt giải cao trong các cuộc thi viết về môi trường và biến đổi khí hậu cấp quốc gia, cấp ngành và các địa phương trong cả nước.
PGS.TS.AHLĐ. Nguyễn Thị Trâm là nhà giáo, nhà nông học chọn tạo giống lúa lai nổi tiếng của Việt Nam. Cả cuộc đời chị gắn với cây lúa. |
Về lĩnh vực nghiên cứu: Nhiều nữ trí thức trong Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong các trường Đại học, Viện Hàn lâm … đã tận tâm nghiên cứu, khảo sát thực tiễn góp phần vào việc hoạch định các thể chế, chủ trương, chính sách, luật định về môi trường và biến đổi khí hậu như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật Đa dạng sinh học… Nhiều chị đã tâm huyết dành trọn vẹn cả cuộc đời khoa học của mình để nghiên cứu về môi trường: Đó là GS.TS.NGND Đặng Kim Chi - một trong những nhà khoa học đầu tiên nghiên cứu về kỹ thuật bảo vệ môi trường ở Việt Nam, nằm trong số ít những người đầu tiên đưa ra khái niệm “Bảo vệ môi trường làng nghề” từ hơn 2 thập kỷ trước. Chị luôn trăn trở: Làm thế nào để làng nghề xanh, sạch mà vẫn mang lại hiệu quả kinh tế. Trong suốt cuộc đời gần 50 năm làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và hiện nay tại Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, GS Đặng Kim Chi đã làm chủ nhiệm và tham gia 42 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, công bố 83 bài báo khoa học, đồng tác giả của 1 bằng sáng chế (về “Quy trình điều chế chất xúc tác spinel nikel nhôm, sản phẩm xúc tác spinel nikel nhôm sử dụng cho phản ứng khử chọn lọc xúc tác đối với khí NO trong khí thải”). Chị cũng là tác giả và đồng tác giả của nhiều công trình về môi trường như: Việt Nam - Môi trường và cuộc sống, Giáo trình kinh tế chất thải, chủ biên cuốn Làng nghề Việt Nam và Môi trường, Hóa học môi trường … GS.TS. Đặng Kim Chi đã được nhận Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2005, Giải thưởng Kovaleskaia năm 2008 và Nhân tài đất Việt năm 2019.
Đó là GS.TS. Nguyễn Thị Lang, PGS.TS. Nguyễn Thị Trâm - những nhà khoa học “nông dân”, đã dày công tìm tòi, nghiên cứu những giống lúa có chất lượng, năng suất cao, có khả năng chống chịu thay đổi bất thường của thời tiết, chịu chua, chịu mặn, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhà khoa học nữ - GS.TS. Nguyễn Thị Lang đã dành gần 10 năm để nghiên cứu giống lúa OM4900 và phát triển nó từ giống lúa hoang dã, có sức sống mãnh liệt giữa vùng trũng Đồng Tháp Mười - còn gọi là “lúa ma” - thành giống lúa có khả năng chịu khô hạn, phèn, mặn, kháng rầy nâu. Giống OM4900 đã được xuất khẩu sang Campuchia, Myanmar, Indonesia, Bangladesh, Ấn Độ… Từ thành công này, đã có thêm hàng chục giống lúa chịu mặn mang họ “OM” ra đời như OM4498, OM5930, OM4900, OM6073... Đến nay, GS. Lang đã chọn tạo được 24 giống lúa được công nhận là giống lúa quốc gia. Bà đã được nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam, nhà khoa học nữ đầu tiên được trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa.
PGS.TS.AHLĐ. Nguyễn Thị Trâm là nhà giáo, nhà nông học chọn tạo giống lúa lai nổi tiếng của Việt Nam. Cả cuộc đời gắn với cây lúa, với nhà nông, bà đã góp phần làm rạng danh nền nông nghiệp Việt Nam khi cho ra đời hàng loạt giống lúa mới, chất lượng cao, giàu giá trị kinh tế. PGS.TS. Nguyễn Thị Trâm là một nhà khoa học được nhắc đến nhiều nhất khi chuyển nhượng giống TH3-4 với mức giá bất ngờ 700 triệu đồng cho Công ty CP Giống cây trồng Trung ương. Và chị lại gây bất ngờ một lần nữa khi chuyển nhượng giống lúa lai hai dòng TH3-3 với giá 10 tỉ đồng cho Công ty TNHH Cường Tân. Giống lúa TH3-3 với những ưu điểm như: thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt, cho chất lượng gạo ngon.
Nữ trí thức Việt Nam đã thành công trong nghiên cứu và đạt hiệu quả đáng trân trọng trong ứng dụng kết quả nghiên cứu vào xử lý và bảo vệ môi trường.
PGS.TS. Nguyễn Thị Hòe – nhà khoa học được mệnh danh là người hội tụ 3 trong một: Từ nghiên cứu đến sản xuất và kinh doanh. Chị đã có hơn 30 năm giảng dạy (ngành Hóa) tại các trường đại học như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Đại học Cần Thơ. Sau khi nhận Giải thưởng Kovalevskaia (năm 1993), chị đã sáng lập nên tập đoàn sơn KOVA. Sau 20 năm, tập đoàn sơn KOVA đã vươn ra thị trường quốc tế và đặc biệt thành công tại Singapore. Hiện KOVA có trên 10 công ty thành viên, 6 nhà máy tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Từ năm 2002, chị đã sáng lập Quỹ Giải thưởng KOVA để hỗ trợ cho các nhà khoa học, các tấm gương sống đẹp và sinh viên trên khắp cả nước. Dựa trên công nghệ nano từ vỏ trấu, tập đoàn KOVA do PGS.TS. Nguyễn Thị Hòe là Chủ tịch đã ứng dụng sản xuất các dòng sơn đặc biệt như: Sơn tự làm sạch, Sơn đá nghệ thuật, Sơn chống cháy, Sơn kháng khuẩn và cả Sơn chống đạn. Công nghệ hiện đang đăng ký bằng sáng chế ở Mỹ. Các sản phẩm từ gốc nano của KOVA không có mùi hôi và không gây độc hại cho người sơn cũng như người sử dụng. Việc sản xuất sơn từ vỏ trấu còn mang ý nghĩa lớn trong việc bảo vệ môi trường, làm giảm sự nóng lên toàn cầu do ít sử dụng nguồn nguyên liệu đi từ chất hữu cơ, đặc biệt là dầu mỏ. Năm 2005, chị được chọn vào danh sách 1.000 phụ nữ đề cử cho giải Nobel Hòa Bình thế giới.
Tiếp nối các thế hệ đàn chị, GS.TS. Lê Minh Thắng là giảng viên cao cấp Bộ môn Công nghệ Hữu cơ – Hóa dầu, Viện Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách Khoa Hà Nội, là nữ giáo sư trẻ (SN 1975), hầu hết các công trình nghiên cứu của GS.TS. Lê Minh Thắng đều có tính ứng dụng cao, đặc biệt trong việc góp phần bảo vệ môi trường. Điển hình như công trình “Tìm kiếm xúc tác mới có hiệu quả để xử lý khí thải xe máy” có chi phí thấp, nhưng hiệu quả xử lý tương đương với xúc tác thương mại nhập ngoại sử dụng cho xe ô tô (xử lý đồng thời trên 90% các hydrocarbon, NOx và CO trong khí thải xe máy). Gần đây, trong các nhà máy công nghiệp của Việt Nam, ô nhiễm khi gây ra bởi các hợp chất thơm dễ bay hơi đang ngày càng trầm trọng. Đây là những tác nhân gây ung thư, có tác động lâu dài đến sức khỏe con người, cần phải giảm thiểu phát thải vào môi trường. Thấy được vấn đề này, GS. Lê Minh Thắng đã đề xuất và được Bộ KH&CN phê duyệt thực hiện đề tài “Nghiên cứu phát triển công nghệ hấp phụ - xúc tác xử lý các hợp chất chứa nhân thơm, các hợp chất hữu cơ độc hại khó phân hủy trong khí thải của quá trình nhiệt phân nhựa, cao su phế thải”. Với nghiên cứu này, các xúc tác hỗn hợp oxit kim loại chuyển tiếp đã được ứng dụng vào các nhà máy nhiệt phân cao su phế thải, nhà máy sản xuaatrs polyester không no để xử lý các hợp chất thơm bay hơi trong khí thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chị đã được trao tặng Giải thưởng Kovalevskaia năm 2022…
Còn rất nhiều nhà khoa học nữ trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, chăn nuôi, xây dựng… đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.