Nhóm các nhà khoa học do PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp (Khoa Kỹ thuật Y sinh, ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM) chủ nhiệm đã nghiên cứu, sản xuất sản phẩm có công dụng phòng chống nhiễm virus, bao gồm các virus thuộc họ coronas: Antiviral colloidal silver.
PGS. TS Nguyễn Thị Hiệp cho biết: “Việc đeo khẩu trang y tế hiện nay chỉ có tác dụng tránh các dịch tiết có chứa virus, vi khuẩn bắn vào mình chứ không ngăn được virus xâm nhập vào cơ thể”.
PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp (trái) và cộng sự đang sản xuất Antiviral colloidal silver. Ảnh: ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) |
Với kinh nghiệm nhiều năm về các vật liệu ứng dụng trong y học, PGS Hiệp cùng nhóm nghiên cứu đã sáng chế ra sản phẩm Antiviral colloidal silver dùng để xịt lên khẩu trang trước khi mang, hoặc dùng để sát trùng tay giúp phòng nhiễm virus, bao gồm các virus thuộc họ coronas, nấm.
Sản phầm Antiviral colloidal silver gồm các thành phần nano bạc, chất ổn định nano và ethanol. “Nếu xịt dung dịch này lên khẩu trang, nano bạc sẽ tạo nên lớp màng bảo vệ ngăn được các loại virus, vi khuẩn, đồng thời diệt sạch chúng”, PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp giải thích.
ĐH Quốc tế sẽ phát miễn phí dung dịch Antiviral colloidal silver cho sinh viên, giảng viên trong trường. Ảnh: ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) |
Tuy nhiên, sản phẩm hiện chưa được cấp phép của Bộ Y tế, nên chưa thể sản xuất đại trà. Trước mắt, nhóm nghiên cứu chỉ muốn tạo sản phẩm bảo vệ cho sinh viên, và sẽ phát miễn phí sản phẩm này cho cán bộ, giảng viên và sinh viên của trường để phòng chống dịch. Những ai sử dụng sẽ được nhóm nghiên cứu hướng dẫn và theo dõi.
PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp (sinh năm 1981) – Trưởng Khoa Kỹ thuật Y sinh Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc Gia Tp.HCM là nhà khoa học nữ trẻ tuổi tiêu biểu của Việt Nam được tạp chí Asian Scientist vinh danh trong Top 100 nhà khoa học tiêu biểu của châu Á năm 2019.
Năm 2017, với sáng chế loại keo thông minh có khả năng cầm máu, chống vi khuẩn và giúp làm lành nhanh vết thương, chị đã giành được giải nhất trong Giải thưởng Khoa học ASEAN-Hoa Kỳ cho các nghiên cứu tập trung vào các vật liệu sinh học như keo sinh học và các bộ dụng cụ khâu vết thương không dùng kim.
Năm 2018, chị được vinh danh là “Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới” do Quỹ L’Oréal và Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) trao tặng vì đã phát triển một loại gel nano thông minh có thể đẩy nhanh quá trình tái tạo mô.