• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

5 sai lầm phổ biến của “những tấm chiếu mới” chốn công sở

Đây là những suy nghĩ, hành động sai lầm có thể khiến các bạn trẻ không thể trúng tuyển...

Trong cuốn “Từ tốt đến vĩ đại” của Jim Collins, cuốn sách quản trị kinh doanh kinh điển được Tạp chí Forbes bầu chọn là 1 trong 20 tác phẩm có ảnh hưởng nhất thế giới về quản trị trong 20 năm qua có đoạn: “Con người là tài sản quý giá nhất của bạn” có vẻ không còn đúng nữa. Không phải con người (people), mà phải là người phù hợp (right people) mới là tài sản quý giá nhất!”. Và quan điểm “người phù hợp mới là tài sản quý giá nhất” ấy đang được rất nhiều các nhà tuyển dụng, quản lý tại các doanh nghiệp coi trọng.

Tuy nhiên, trong quá trình ứng tuyển hay làm việc, nhiều bạn trẻ đã bộc lộ những sai sót khiến mình trở thành “con người không phù hợp” trong mắt nhà tuyển dụng, quản lý.

5 sai lầm phổ biến của “những tấm chiếu mới” chốn công sở

Đến muộn trong buổi phỏng vấn đầu tiên hoặc thường xuyên đi làm muộn, trễ “deadline” khi đã trở thành nhân viên công ty

Hầu hết các nhà tuyển dụng, quản lý đều muốn có được một nhân viên “đúng giờ” trong các cuộc hẹn, buổi họp và đặc biệt là hoàn thành công việc đúng “deadline”. Việc đi muộn ngay trong buổi phỏng vấn đầu tiên sẽ làm nhà tuyển dụng, quản lý nghi ngại về một nhân viên luôn trễ hạn hoàn thành công việc. Tác giả bài viết này từng chứng kiến những nhà tuyển dụng ngay lập tức hủy bỏ cuộc phỏng vấn với ứng viên do những ứng viên này đến muộn quá 5 phút.

Ở nhiều công ty Nhật tại Việt Nam, ban lãnh đạo công ty thường xây dựng văn hóa “đến sớm là đúng giờ” với nhân viên của mình. Các công ty này thường khuyến khích nhân viên có mặt trước giờ làm, giờ họp để chuẩn bị. Thậm chí có những công ty còn đưa ra mức thưởng tiền cho các nhân viên đến sớm trước 10 - 15 phút trong tất cả các ngày làm việc của tháng.

Tuy nhiên, có không ít các bạn nhân viên đã không coi trọng điều này, thậm chí còn đùa cợt với nó bằng những câu bông đùa: “Em tặng lại công ty số tiền đó”. Các bạn trẻ dường như không nhận thức được rằng, đó chính là điểm trừ lớn dành cho các bạn. Đồng hành với đó, thói quen “trễ deadline” trong hoàn cảnh công việc, cũng khiến các bạn trẻ trở nên không phù hợp với văn hóa làm việc của nhiều doanh nghiệp dù năng lực có tốt đến đâu.

5 sai lầm phổ biến của “những tấm chiếu mới” chốn công sở

Không xin lỗi, đổ lỗi cho hoàn cảnh khi là người đến muộn

Lời xin lỗi tưởng chừng như là một phép lịch sự tối thiểu khi đến trễ một cuộc hẹn, nhưng nhiều bạn trẻ lại quên mất điều đó. Hay đơn giản, dù đã có lời xin lỗi nhưng lý do “tại vì trời mưa”, “tại vì tắc đường”, “tại kẹt thang máy”... sẽ khiến các bạn mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng, quản lý. Lý do là những nhà quản lý sẽ nghi ngại rằng bạn là một nhân viên luôn có lý do cho những lần trễ “deadline”.

Ở trường hợp này, một trong những cách có thể giúp bạn “gỡ điểm” đó chính là xin lỗi và nhận lỗi về mình chứ không đổ lỗi cho hoàn cảnh. “Em xin lỗi, do em chủ quan, đi sát giờ nên đến muộn.” - đây có thể là một câu trả lời phù hợp dành cho các bạn.

Không tìm hiểu kỹ về công ty mình đến ứng tuyển

Các thông tin đó có thể là lịch sử công ty, tình hình kinh doanh, định hướng phát triển, văn hóa làm việc của công ty, vị trí làm việc mà mình ứng tuyển... Nếu không tìm hiểu kỹ những thông tin chung liên quan đến công ty, đặc biệt là với những công ty lớn hay lâu đời, các bạn có thể không thể hiện được hết “sự phù hợp” của bản thân đối với công ty. Đây sẽ là 1 điểm được nhiều nhà tuyển dụng cân nhắc nếu có những ứng viên có điểm đánh giá ngang bằng nhau.

Còn với những ứng viên bộc lộc sự thiếu hiểu biết về công ty mình ứng tuyển, thì chắc chắn, một điểm trừ sẽ được dành cho bạn.

5 sai lầm phổ biến của “những tấm chiếu mới” chốn công sở

Không ghi chép cẩn thận thông tin của các buổi họp hay yêu cầu công việc từ lãnh đạo, đồng nghiệp

Việc ghi chép đầy đủ các thông tin sẽ giúp bạn có thể thực hiện đúng, đủ các công việc được giao mà không sợ hiểu sai ý của người khác hay mất thời gian xác nhận lại thông tin. Tuy nhiên, không ít bạn trẻ đã quá coi trọng “bộ nhớ trong" của mình nên không ghi chép lại bất cứ thông tin gì hoặc chỉ ghi lại rất vắn tắt bằng điện thoại.

“Em tưởng thế này", “em tưởng thế kia", “em xin lỗi, em nghe nhầm…”, có lẽ là những câu nói khiến nhiều nhà quản lý cảm thấy không hài lòng nhất với nhân viên của mình. Nếu các bạn trẻ đang trong thời gian thử việc ở một công ty, thì đó sẽ là những điểm trừ lớn mà nhà quản lý dành cho bạn.

Hãy nhớ, luôn có ý thức ghi lại trọn vẹn những thông tin quan trọng, những yêu cầu công việc trong các buổi họp, dù là bằng sổ, điện thoại hay máy tính.

Không chịu khó học tập và trang bị thêm kiến thức cho bản thân

Trong thời đại mà thế giới thay đổi liên tục từng giờ như hiện nay, “tuổi thọ” của kiến thức và kỹ năng cũng ngắn hơn rất nhiều so với trước kia. Khi gia nhập vào thị trường lao động, một trong những điều cực kỳ quan trọng với tất cả mọi người đó là việc chịu khó học tập, trang bị thêm các kỹ năng cho bản thân.

Nếu các bạn có 1001 lý do để trì hoãn việc học hỏi, trang bị thêm kiến thức, kỹ năng cho bản thân, hay bạn quá tự tin vào kiến thức, kinh nghiệm của mình thì xin hãy nhớ lấy 2 điều sau:

Thứ nhất: Mỗi năm vẫn có rất đông các bạn trẻ ra trường với sự xông xáo, nhiệt huyết hơn bạn, chấp nhận mức lương, chế độ đãi ngộ thấp hơn bạn và được trang bị nhiều kỹ năng hơn bạn.

Thứ hai: Bạn có thể đã đi làm được 5 hay 10 năm nhưng thay vì có 5 - 10 năm kinh nghiệm, bạn thật sự chỉ có một năm kinh nghiệm được lặp lại 10 lần. Đây cũng chính là điều mà một Giám đốc nhân sự của một doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam từng chia sẻ với tác giả bài viết này.

Và các bạn hãy thử nhìn lại xem, rất nhiều các bạn tin tuyển dụng với mức lương không cao luôn đi kèm với chú thích “ưu tiên sinh viên mới ra trường, không cần kinh nghiệm, chưa biết việc có thể được đào tạo thêm.". Kiến thức, kỹ năng được bồi đắp, làm mới liên tục chính là những lợi thế cạnh tranh để các bạn không bị thua kém trước những ứng viên mới cho vị trí của bạn, đặc biệt là với những bạn trẻ mới ra trường luôn tràn đầy nhiệt huyết, sự sáng tạo.                                                                             

* Tác giả bài viết này hiện đang là phụ trách lĩnh vực xây dựng văn hoá doanh nghiệp tại một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với quy mô gần 2000 nhân sự tại Hà Nội.                                                                                              

Phan Anh

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật