Dẫn nguồn từ tờ The Star, vào tuần trước tại Hội thảo "Khởi nghiệp kinh doanh với mô hình nhượng quyền thương mại", ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Thương mại TP.HCM (ITPC), đã phát biểu: "Với tốc độ tăng trưởng kinh tế khả quan vào năm ngoái và dân số gần 100 triệu người, tương lai của nhượng quyền thương mại có vẻ đầy hứa hẹn tại Việt Nam".
Theo đó, ông Tuấn cho biết: "Bên cạnh việc mang lại lợi ích to lớn cho bên nhượng quyền, mô hình còn giảm thiểu rủi ro cho bên nhận quyền".
Hiệp hội Nhượng quyền Thương mại Quốc tế (IFA) đánh giá cao về chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp tại nước ta. Cụ thể, IFA cho rằng, Việt Nam đã trở thành một điểm đến nhượng quyền hấp dẫn, đặc biệt trong các lĩnh vực như thực phẩm và đồ uống, giáo dục, y tế và dinh dưỡng, dịch vụ kinh doanh, khách sạn, thời trang, làm đẹp và chăm sóc da, giải trí và cửa hàng tiện lợi.
Theo bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Retail & Franchise Asia, thành viên sáng lập và điều hành World Franchise Associates, cho biết ngành nhượng quyền đóng góp 5-10% GDP ở các nước phát triển.
Trong đó, Mỹ là khởi nguồn của chiến lược phát triển này với con số là 5,1%, và 10% ở Canada, 9% ở Úc và 9,7% ở Nam Phi. Ở châu Á, nhượng quyền thương mại mạnh nhất ở Hàn Quốc (7,8% GDP), tiếp theo là Malaysia (6,3%), Philippines (5%) và Singapore (3%).
Ở Malaysia, nhượng quyền thương mại đã được chính phủ chọn làm chiến lược dài hạn để phát triển các Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) bằng cách xuất khẩu các mô hình kinh doanh và thương hiệu thay vì xuất khẩu hàng hóa.
Tiếp bước sự thành công của các nước, sau khi đại dịch qua đi, nhượng quyền thương mại tại Việt Nam sẽ có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, bà Vân đánh giá. Tuy nhiên, để thành công, bên nhận quyền cần đảm bảo rằng họ có kế hoạch kinh doanh và quản lý tốt.
Song song đó, bà Vân còn tiết lộ thêm, các nhà nhượng quyền Việt Nam đã đầu tư rất nhiều tiền để mua nhượng quyền nhưng không xây dựng đội ngũ quản lý để điều hành. Để có một mô hình bền vững, các doanh nghiệp phải tập trung vào thương hiệu và mô hình kinh doanh, nền tảng vận hành, đào tạo nhân sự, chuỗi cung ứng và nền tảng công nghệ.
Trước COVID-19, Việt Nam có các thương hiệu nhượng quyền lâu năm thành công như Cà phê Trung Nguyên, Phở 24, T&T, Cafe Bobby Brewers, Kinh Đô Bakery, Wrap and Roll, Café Cộng, AQ Silk và Highland's Coffee.
Nhượng quyền thương mại là một trong các hình thức kinh doanh, mở rộng quy mô doanh nghiệp khá phổ biến hiện nay. Nhượng quyền thương mại có thể hiểu là hoạt động thương mại giữa đơn vị cụ thể, trong đó, bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện được thỏa thuận trước.
Ở thời kỳ hậu COVID-19, hoạt động nhượng quyền có thể phát triển mạnh ở các mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ, O2O (Online - to - Ofline), DevOps (mô hình làm việc kết hợp giữa kỹ sư phát triển phần mềm với bộ phận kỹ sư hệ thống, nhân viên bảo mật, kỹ sư mạng, kỹ sư hạ tầng... nhằm mục đích rút ngắn vòng đời phát triển sản phẩm), mô hình linh hoạt hay những mô hình có mức đầu tư thấp và hoàn vốn nhanh.