Việc các doanh nhân thành đạt trở thành giảng viên thỉnh giảng để truyền đạt kinh nghiệm tương đối phổ biến, nhưng theo chiều ngược lại, việc các giáo viên trở thành doanh nhân lại khó hơn rất nhiều cả từ chủ quan lẫn khách quan. Tuy nhiên, trong xu hướng khởi nghiệp (startup) câu chuyện có thể sẽ khác.
Phụ Nữ Mới đã có cuộc trò chuyện với cô Nguyễn Thị Liễu, chuyên gia về số hoá trong công tác giảng dạy và cô Phạm Thị Thanh Long, người đã đạt rất nhiều giải thưởng về sáng tạo giáo dục, về vai trò của giáo viên - doanh nhân trong xu hướng startup. Hai cô được rất nhiều đồng nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh đánh giá cao về sự năng động, quyết liệt trong suy nghĩ và hành động với những ý tưởng sáng tạo nhưng cũng rất thực tế. Tất nhiên, hai cô cũng đã từng kinh doanh.
Phóng viên (PV): Cơ duyên nào đã đưa hai cô đến với kinh doanh?
- Cô Nguyễn Thị Liễu (NTL): Tôi có hai con, trong đó một cháu trai bị bại não từ khi mới lọt lòng mẹ và hiện đang phải đấu tranh từng ngày để giành giật sự sống. Vài năm trước, chồng tôi cũng mắc bệnh hiểm nghèo và phải tốn kém rất nhiều công sức, thời gian, tiền bạc để chạy chữa và hiện giờ vẫn đang tiếp tục điều trị. Rơi vào hoàn cảnh này, nếu chỉ trông chờ vào đồng lương của giáo viên, cho dù tôi có ở vị trí hiệu phó thì cũng rất khó để trang trải. Vì vậy, tôi buộc phải xoay sở bằng mọi cách, kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm để có thêm thu nhập.
- Cô Phạm Thị Thanh Long (PTTL): Tôi tốt nghiệp sư phạm ngành toán, nhưng sau đó lại học cao học ngành công nghệ vì vậy cũng đã tiếp cận với xu hướng startup từ sớm. Đã có một giai đoạn nhiều người e ngại về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của sản phẩm bún. Khi đó, tôi cũng đã mở một nhà hàng có hệ thống chế biến bún sạch, để khách hàng đến quan sát trực tiếp và thưởng thức sản phẩm, các phản hồi là rất tích cực. Nhưng trong gia đình tôi cũng có công việc kinh doanh, rồi công việc, trách nhiệm cho con cái mà dự án này sau đó phải dừng lại.
Các cô nghĩ gì về vai trò của người giáo viên trong xu hướng startup, phổ biến trên toàn thế giới hiện nay?
- NTL: Hồi tháng 4 năm nay, khi tham dự Diễn đàn Giáo dục toàn cầu do Microsoft tổ chức tại Toronto, Canada, tôi vinh dự được nhận giải Cá nhân xuất sắc (The Best Microsoft Fellow). Thú thực là rất hạnh phúc với giải thưởng, nhưng điều tôi quan tâm nhất khi tham dự diễn đàn này là học hỏi từ các đồng nghiệp từ các ý tưởng cho đến khả năng ứng dụng công nghệ trong giảng dạy và cả quản lý giáo dục.
Cô Nguyễn Thị Liễu (đứng thứ 2, từ trài qua) – đạt Giải nhất Cá nhân Xuất sắc (The Best Microsoft Fellow) khi tham dự Diễn đàn Giáo dục toàn cầu do Microsoft tổ chức tại Toronto, Canada. |
Chứng kiến tôi liên tục tranh thủ các giờ nghỉ để học hỏi các chuyên gia, một đồng nghiệp đã nói với tôi rằng: “Chị nên tự hào với thành quả lớn nhất mình đã làm được là đã truyền cảm hứng sáng tạo, cảm hứng mới là điều quan trọng nhất, còn công nghệ hay ý tưởng chỉ là những công cụ”.
Tôi bỗng nhớ lại mình đã đi huấn luyện về quản lý giáo dục tại rất nhiều nơi có hệ thống máy vi tính còn chưa đạt chuẩn, nhưng sau một thời gian tất cả đã được số hoá, hiện đại hoá, rất nhanh chóng. Điều này chắc chắn đến từ cảm hứng sáng tạo. Chính người giáo viên sẽ đóng vai trò quan trọng nhất để các học sinh có cái nhìn cơ bản về startup và những kỹ năng theo đó sẽ được hun đúc dần lên.
- PTTL: Tôi đã từng được một trường chuyên nổi tiếng tại TP. Hồ Chí Minh tuyển dụng, nhưng khi đó tôi nhận thấy là nếu làm việc tại môi trường này thì không dễ để có thể triển khai các dự án sáng tạo của mình nên cuối cùng đã quyết định chọn Trường THCS Trần Quốc Toản (Quận 2, TP. Hồ Chí Minh) để làm việc. Điều may mắn là ban giám hiệu nhà trường đã tạo cơ hội cho những ý tưởng mới lạ trong giảng dạy vừa có tính thực tiễn lại vừa tạo ra sự thú vị cho học sinh.
Một trong những mô hình mà tôi tâm đắc nhất trong thời gian gần đây là toán ứng dụng với mô hình khởi nghiệp. Theo đó, tôi sẽ chia học sinh trong một lớp thành nhiều nhóm: Nhóm phân tích thị trường, nhóm tài chính kế toán và nhóm quản lý. Nhóm phân tích thị trường sẽ tìm hiểu về nhu cầu của một sản phẩm nào đó, đây là cơ hội để tôi hướng dẫn học sinh làm các phép toán tính %, tỷ lệ, tỷ trọng, vẽ biểu đồ…
Nhóm tài chính kế toán sẽ tính toán chi phí sản xuất của sản phẩm là bao nhiêu, gồm cả nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển, tiền lương… Và cuối cùng nhóm quản lý sẽ học cách tổng hợp dữ liệu, để ra quyết định.
Hiệu quả của những giải pháp sáng tạo này là như thế nào thưa hai cô? Vì theo như một số đánh giá thì chương trình học hiện khá nặng, nay lại có thêm những chương trình sáng tạo thì liệu có quá tải cho học sinh?
- NTL: Dự án số hoá giáo dục đầu tiên của tôi là kết nối trực tuyến một lớp học tại Việt Nam với một lớp học ở quốc gia khác thông qua công nghệ của Microsoft. Theo đó, mỗi học sinh trong giờ Anh văn do tôi đứng lớp sẽ trao đổi bằng tiếng Anh với đầu cầu bên kia về những thông tin liên quan.
Thí dụ tôi đang sống ở thành phố nào, dân số bao nhiêu, có những địa điểm nổi tiếng nào… Đây không chỉ là một phương pháp để rèn luyện ngoại ngữ, hay khả năng thuyết trình (quan trọng đối với startup) mà cũng giúp cho học sinh ôn lại kiến thức địa lý, lịch sử cực kỳ hiệu quả, tiết kiệm được thời gian.
Học sinh đang tham gia kết nối trực tuyến với một lớp học ở quốc gia khác thông qua công nghệ của Microsoft. |
- PTTL: Các phương pháp giảng dạy của tôi không những được ban giám hiệu nhà trường ủng hộ mà chính phụ huynh học sinh cũng rất đồng tình vì nó giúp học sinh có nhiều kiến thức thực tế. Kiến thức đến từ thực tế thì rất dễ tiếp thu, không phải bỏ công ra để học gạo, học chay. Từ kiến thức về thực tế, học sinh lại càng dễ củng cố những tư duy, phương pháp suy luận cơ bản để từ đó quay lại, ứng dụng nhiều cách giải quyết bài tập khác nhau mà chính tôi cũng nhiều lần bất ngờ.
Xin cảm ơn hai cô về cuộc trao đổi này!