Thương vụ đến từ cặp đôi nhà sáng lập Trung Hiếu và Hồng Nhi của Telepro. Kêu gọi 1 triệu USD cho 20% cổ phần công ty, Trung Hiếu giới thiệu Telepro là nền tảng kết nối hàng ngàn tư vấn viên với các doanh nghiệp để thực hiện các công việc tele marketing, chăm sóc khách hàng qua điện thoại cho các doanh nghiệp. “Để hiểu đơn giản, có thể hình dung Telepro là uber cho marketing”, Trung Hiếu trình bày.
Telepro cung cấp giải pháp toàn diện cho các doanh nghiệp với 3 ưu điểm: sở hữu hàng ngàn tư vấn viên, cung cấp hệ thống báo cáo thuận tiện cho chủ doanh nghiệp và cung cấp hệ thống giám sát cuộc gọi ứng dụng công nghệ mới.
Cặp đôi nhà sáng lập Trung Hiếu và Hồng Nhi của Telepro. |
Từ hơn 3.000 tư vấn viên vào tháng 11/2018, Telepro đã tăng lên 12.000 agent tính đến tháng 6/2019. Doanh số đạt 1 tỷ đồng/tháng. Telepro đã kêu gọi thành công 250.000 USD từ các nhà đầu tư thiên thần. Nhà sáng lập không giấu giếm tham vọng trong 3 năm tới sẽ Dominate thị trường Việt Nam. “Thương hiệu telepro sử dụng tên miền “.me” vì muốn sản phẩm đi được ra toàn cầu, muốn đi các nước trong khu vực, đến Philippines để gọi telesale cho Mỹ và Châu Âu”, Trung Hiếu chia sẻ.
Đánh giá công nghệ của Telepro không quá khác biệt, tiềm năng tại thị trường Việt Nam quá nhỏ còn ra thế giới thì không đủ sức cạnh tranh, Shark Thái Vân Linh là người đầu tiên lên tiếng từ chối rót vốn vào startup.
Trái ngược với nhận định từ Shark Linh, “cá mập công nghệ” Dzung Nguyễn lập tức lên tiếng cho hay Quỹ Cyber Agent đang đầu tư vào toàn bộ Đông Nam Á, những nước mà hai nhà sáng lập Telepro định triển khai “vị cá mập” đều có khả năng giúp đỡ.
“Quan trọng hơn là có một chiến lược định hướng làm sao cho sản phẩm em đi một cách bền vững hơn và làm sao tạo thu nhập cho chính Agent, hiệu quả cho chính khách hàng sử dụng ấy. Cái đó là cái em nên tập trung vào chứ đừng nghĩ mông lung những cái khác” – Shark Dzung Nguyễn nói kèm đưa ra đề nghị đầu tư 1 triệu USD theo giai đoạn như sau: Giai đoạn 1 là 300.000 USD cho 20% cổ phần, giai đoạn 2 rót tiếp 700.000 USD và lead vòng gọi vốn tiếp theo.
Kế đến nhận định đây là lĩnh vực tiềm năng tuy nhiên cũng ẩn chứa nhiều rủi ro, kế hoạch lỗ chiến lược không rõ ràng và nhà sáng lập vẫn chưa góp vốn vào công ty nên hai Shark Phạm Thanh Hưng và Nguyễn Thanh Việt quyết định rút lui để nhường sân chơi lại cho “bà ngoại U60” Đỗ Liên.
Tự nhận bản thân mặc dù ở tuổi “bà ngoại” nhưng vẫn rất ưa thích khám phá công nghệ, cùng lợi thế hệ sinh thái Data và hệ thống Agent của ứng dụng bảo hiểm công nghệ LIAN, Shark Liên đưa ra đề nghị đầu tư đầy hấp dẫn là 1 triệu USD cho 51% cổ phần và tuyên bố các nhà sáng lập đã có thể nghỉ ngơi ngay lập tức trong năm 2019.
Shark công nghệ quyết định đầu tư. |
Lo lắng sở hữu ít cổ phẩn sẽ làm giảm mất động lực chiến đấu, hai nhà sáng lập Telepro mạnh dạn đưa thương lượng 1 triệu USD cho 25% cổ phần. Tuy nhiên, “cá mập bà ngoại” chỉ chấp nhận giảm tỉ lệ chiếm xuống mức 49% cổ phần kèm tuyên bố: “Các bạn muốn vẫn điều hành, nắm giữ cổ phần còn tôi muốn gắn kết cuộc đời bạn với cuộc đời tôi. Nếu Telepro vào hệ sinh thái LIAN, các bạn có hàng triệu user, hàng triệu Agent để các bạn có thể sale, các bạn có rất nhiều lợi thế để trở thành sàn giao dịch rất lớn cho thị trường”.
Không muốn bị đứng ngoài cuộc chơi đầu tư vào Telepro, Shark Dzung Nguyễn ra sức lôi kéo Telepro phải tập trung tạo ra một giải pháp đa ngành chứ không phải một lĩnh vực, doanh nghiệp cần gọi thêm nhiều vòng vốn sau nên nếu Founder chỉ nắm giữ 51% cổ phần sẽ gặp nhiều khó khăn.
Đối mặt với hai lời đề nghị, một sẽ có tiền ngay và một là dòng tiền đến từ tương lai, nhà sáng lập Telepro đã quyết định bắt tay cùng Shark Dzung Nguyễn khi “cá mập công nghệ” đồng ý thay đổi offer 300.000 USD cho 15%, rót thêm 700.000 USD theo KPI để startup không phải khó xử với “bạn cùng bể” Shark Nguyễn Ngọc Thủy – người đã rót vốn trước đó cho Telepro.
Chia sẻ sau thương vụ, hai nhà sáng lập không giấu tham vọng muốn phát triển to hơn chứ không chỉ là một công ty SME đều đều, và Telepro có giấc mơ lớn hơn rất nhiều so với số tiền 1 triệu USD hiện tại.